Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc: "Tôi thiếu cả tính nữ và tính nam"
Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc: "Tôi thiếu cả tính nữ và tính nam"
Hà Thúy Phương
Thứ sáu, ngày 20/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Ít ai biết, Trần Thị Bích Ngọc là nhà sản xuất của những bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế như: "Tro tàn rực rỡ"; "Cha và con và ..."; "Mỹ nhân kế"; "Người bất tử"; "Quả tim máu. Chị chia sẻ với Dân Việt khi vừa được mời làm BGK Liên hoan phim quốc tế Tokyo 36.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc là con gái của nhà quay phim kỳ cựu - NSƯT Trần Trung Nhàn. Tên tuổi NSƯT Trần Trung Nhàn gắn liền với những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu như: Tội lỗi cuối cùng; Đứa con nuôi; Đêm hội Long Trì; Tướng về hưu; Hồi ức tình yêu; Sông Hồng reo…
Tình yêu và đam mê làm phim của chị được kế thừa từ cha. Lớn lên, chị theo học Khoa Đạo diễn của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Một lần thay thế chị gái làm phiên dịch cho một đoàn phim nước ngoài quay tại Việt Nam, chị Ngọc nhận ra sản xuất mới là công việc chị yêu thích và muốn theo đuổi.
Chị cũng từng có cuộc hôn nhân với quay phim tài năng của điện ảnh Việt - K’Linh, nhưng sau đó chia tay. Cả hai cùng hợp tác với nhau trong nhiều dự án và bộ phim Tro tàn rực rỡ do K"Linh là đạo diễn hình ảnh vừa nhận được giải Quay phim Xuất sắc tại Cánh diều 2023 vừa qua.
Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và là một trong những nhà sản xuất phim hàng đầu Việt Nam, chị Trần Thị Bích Ngọc là người đưa rất nhiều dự án phim độc lập Việt Nam ra các chợ phim quốc tế. Trong số đó có Tro tàn rực rỡ (Bùi Thạc Chuyên đạo diễn), Cha và con và… (Phan Đăng Di đạo diễn). Không chỉ có phim nghệ thuật, chị còn là nhà sản xuất nhiều phim thương mại như: Mỹ nhân kế; Quả tim máu; Người bất tử… Tro tàn rực rỡ vừa qua được Hội đồng quốc gia chọn là phim đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển hạng mục Phim truyện quốc tế Oscar năm 2024.
Chị còn là đồng sáng lập chương trình “Gặp gỡ mùa thu” - sự kiện điện ảnh phi lợi nhuận thường niên với các lớp học dành cho đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng, đồng thời trao cơ hội đầu tư cho nhiều dự án điện ảnh thương mại và nghệ thuật triển vọng.
Sau khi tốt nghiệp đạo diễn, tại sao chị làm nhà sản xuất phim mà không phải là làm đạo diễn?
- Thời đó, tôi được đào tạo điện ảnh theo hệ thống kiểu Nga, khi học tại trường Đại học tôi cũng không được biết có một công việc là nhà sản xuất tồn tại. Người có ảnh hưởng và làm thay đổi tôi rất nhiều đó là nhà sản xuất Trần Anh Dũng (Henri Phimasset - em của đạo diễn Trần Anh Hùng). Anh Dũng cho tôi thấy sự thú vị của công việc sản xuất và tôi đã quyết tâm theo đuổi nó, đó là vào đầu những năm 2000.
Bố của chị - NSND Trần Trung Nhàn đã ảnh hưởng như thế nào đến chị?
- Tôi chịu ảnh hưởng của nhiều người trong gia đình, sự cẩn trọng, chắc chắn của người mẹ, lòng yêu nghề và trân trọng công việc sáng tạo từ bố. Từ nhỏ bố đã luôn dạy dỗ mấy chị em chúng tôi là lựa chọn công việc gì cũng được, nhưng luôn phải nỗ lực hết sức và đi đến cùng với nó.
Chị có sự ưu tiên như thế nào với các nhà làm phim nữ?
- Tôi thấy làm đạo diễn thật là khó, đó là công việc ai cũng có thể làm được nhưng không phải ai cũng giỏi được. Phụ nữ thì sẽ gặp nhiều hạn chế hơn về sức khoẻ, hoặc những vướng bận trong gia đình ở vai trò người mẹ. Tôi cũng chẳng thể ưu tiên được gì nhiều hơn cho phụ nữ vì một khi bạn đã là đạo diễn thì cả ê-kíp trông chờ bạn ở vai trò đó, họ tìm kiếm câu trả lời, giải thích, sự thuyết phục, truyền cảm hứng từ bạn để họ có thể làm tròn công việc của mình.
Làm phim là công sức một tập thể, dù là nam hay nữ thì lúc đó bạn cũng lấy vai trò thuyền trưởng và đoàn tàu phải ra khơi… Có chăng trong điều kiện có thể, với phụ nữ đạo diễn, tôi sẽ cố gắng để ê-kíp có thời gian nghỉ ngơi dài hơn giữa các tuần quay hoặc trước khi vào một bối cảnh lớn.
Từ nhỏ lớn lên trong gia đình, tôi cũng hay được nghe tên nữ đạo diễn Bạch Diệp, đạo diễn Đức Hoàn… thực sự những cái tên này làm tôi ấn tượng vô cùng. Tôi cũng đã rất tò mò bởi trong thế giới công việc hầu như ngự trị bởi đàn ông này vẫn le lói tên tuổi của những người phụ nữ. Sau này thì số lượng nữ trong ngành điện ảnh đã nhiều hơn.
Chị thấy mình nữ tính hay nam tính?
- Tôi thấy thì đâu quan trọng gì, chắc phải nghe từ người khác mới hay, nhưng cá nhân tôi thì thấy chắc mình thiếu cả tính nữ và tính nam.
Khó khăn của phụ nữ với việc làm phim và nhà sản xuất phim là gì, thưa chị? Liệu công việc của nhà sản xuất phim có điều gì đối lập với những đức tính thông thường của một người phụ nữ?
- Nếu nhìn ra khu vực và thế giới thì phụ nữ làm nhà sản xuất nhiều lắm, đạo diễn thì ít hơn. Ở Việt Nam cũng vậy, số lượng nhà sản xuất nữ rất nhiều nên tôi nghĩ đây là công việc thú vị. Việc hợp với phụ nữ bởi nhà sản xuất cần sự bền chí, dẻo dai và đôi khi cả sự mềm mại nữa, tôi lại thấy nữ làm nhà sản xuất có nhiều lợi thế. Khó khăn nếu có cũng chỉ sẽ đến khi nhà sản xuất phải phân chia thời gian giữa công việc và gia đình, giữa lịch trình các chuyến bay.
Chị có cảm thấy mình là người hạnh phúc?
- Khái niệm này cũng tương đối thôi và cũng mang tính thời điểm. Tôi thấy mình sống mà được trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau thì đó là cuộc sống đầy đủ rồi, hạnh phúc chỉ là một khái niệm.
Nhiều người quan niệm, phụ nữ làm phim ảnh thường có gia đình không êm ấm. Đối với chị, khi thành công trong công việc có khiến chị thăng hoa hơn và hạnh phúc hơn trong chính gia đình nhỏ của mình?
- Tôi chưa được nhìn một thống kê đầy đủ nên không chắc về câu hỏi này. Bạn bè tôi nhiều người vẫn rất hạnh phúc với công việc và gia đình. Với tôi, đến thời điểm này thì công việc cũng chính là cuộc sống của mình. Tôi luôn tìm cách để cân bằng thời gian cho cả hai. Tôi cũng hay tâm sự với con về công việc, lắng nghe con kể chuyện về trường học, bạn bè của mình… Con trai tôi cũng hay hỏi, tại sao mẹ làm phim gì mà ít người xem quá vậy?
Lúc buồn chị sẽ làm gì? Chị có lúc nào cảm thấy cô đơn?
- Tôi rất thoải mái khi được ở một mình. Cô đơn cũng là một trạng thái hay và tôi sẽ lắng nghe được bản thân rất nhiều những lúc cô đơn.
Ở cương vị người mẹ, chị như thế nào? Chị thấy mình có khác các bà mẹ thông thường?
- Đây là công việc khó và tôi vẫn không ngừng học hỏi hằng ngày. Tôi nghĩ các bà mẹ đều giống nhau ở chỗ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà cách thức thể hiện khác nhau. Tôi thì muốn con lớn lên một cách vui vẻ và luôn phải học hỏi lòng biết ơn.
Sự nghiệp của chị gần đây đều gặt hái thành công nhất định. Chị có thể tiết lộ mục tiêu tương lai của mình là gì?
- Tôi vẫn đang chuẩn bị một vài dự án phim, nếu thuận lợi thì sẽ bấm máy trong năm 2024. Khi làm việc thì tôi tập trung vào những cái gần mình nhất và phấn đấu làm hết sức, thành công sẽ chỉ là một phần thưởng đến sau khi mình đã nỗ lực đến cùng với nó. Tôi không có mục tiêu gì cao xa, tôi luôn phấn đấu để là một người công dân tốt, trong khả năng của mình cố gắng lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.