Hàng nghìn khách đồng loạt hủy tour
Là nhân viên phòng vé, chị Phương Thảo (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, liên tiếp trong mấy ngày vừa qua chị và đồng nghiệp phải thức đêm gọi đến đường dây nóng các hãng bay, căng mắt canh vé, thương thảo và tìm mọi cách tư vấn hỗ trợ khách thực hiện các thủ tục hoàn đổi vé, làm sao cho khách được an toàn và đỡ thiệt nhất.
Nhiều nhân viên phòng vé than thở "nhịn ăn" vì chứng kiến hàng nghìn khách hủy tour
“Kể từ sau Tết đến nay là 6 tháng thì có đến 4 tháng nghỉ vì không có việc làm. Cứ tình trạng này có lẽ nhân viên ngành vé và du lịch sẽ phải bỏ nghề vì đói” – chị Thảo than thở trên một diễn đàn.
Đồng cảm với chị Thảo, chị Nguyễn Thị Thúy – một nhân viên của phòng vé khác cũng chia sẻ: “Hy vọng các giáo sư bác sỹ nghiên cứu thành công vaccine, chứ cứ như hiện nay, lâu lâu lại bùng dịch thì bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển. Đang bảo góp nhặt đổi cái xe hai bánh mà tình trạng này thì nhịn luôn rồi”.
Được biết, chỉ trong vài ngày qua hàng nghìn khách du lịch đã đồng loạt hủy phòng khiến con số thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Ông Trần Trung Kiên, Phó trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông tại một Công ty du lịch tại Hà Nội, cho biết toàn bộ tour đi Đà Nẵng do công ty này tổ chức đã bị hủy ngay sau khi thành phố du lịch này xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Các điểm đến thuộc các địa phương xuất hiện dịch bệnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng tạm dừng.
Tính đến sáng 30.7, có đến 80% đoàn đăng ký đi cuối tháng 7 và tháng 8 đều hủy tour. Thậm chí, các điểm du lịch thuộc các địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh như: Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Bình, Đà Lạt… nhiều khách du lịch cũng đã thông báo hoãn, hủy.
“Các công ty du lịch mới hoạt động trở lại được 2 tháng, nay dịch bệnh tái bùng phát khiến chúng tôi đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” - ông Trần Trung Kiên thì cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, công ty vẫn sẽ cố gắng làm việc với các đối tác để đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng, hoàn trả lại các chi phí đặt cọc. Đối với những khách hàng vẫn mong muốn đi du lịch, công ty sẽ tư vấn tìm những điểm đến an toàn.
Nhiều doanh nghiệp không gượng nổi
Bà Phạm Thanh Thúy, Phó chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô, cũng cho biết tâm lý lo ngại của khách gia tăng khi dịch Covid-19 được ghi nhận tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Tình hình hủy tour đến thời điểm này tại các doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ lên đến 70%. Thậm chí, có đoàn đi Sapa (Lào Cai) vào đầu tháng 8 khởi hành cũng báo hủy.
Không chỉ Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng thất thu vì khách hủy tour
Sở Du lịch TP.HCM cho biết báo cáo sơ bộ của 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn cho thấy các doanh nghiệp đều gặp tình trạng khách hủy chương trình du lịch hàng loạt.
Trong đó riêng hai ngày 26 và 27-7, Vietravel có 20.970 khách hủy với doanh thu dự kiến 88,6 tỉ đồng; Lữ hành Saigontourist hơn 10.000 khách hủy... Ngay các doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fidi, Công ty du lịch Hòa Bình, Công ty du lịch TST, Công ty Đất Việt... cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.
Không chỉ hủy tour Đà Nẵng, các tour tuyến khác trong tháng 8 và tháng 9-2020 bị hủy tăng cao, thậm chí lan ra các chương trình du lịch đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt, các tỉnh miền Tây...
Tương tự, tại Đà Lạt, khách hủy trên 16.000 phòng, ước tính Đà Lạt mất 19 tỷ đồng.
Ngày 31/7, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đến chiều 31/7, tại Đà Lạt đã có 16.071 phòng bị hủy, tương đương với 31.287 đêm phòng. Ước tính thiệt hại do việc du khách hủy phòng lên gần 19 tỷ đồng.
Trước hàng nghìn tour du lịch bị hủy đồng loạt tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng sau đợt dịch thứ 2, sẽ có nhiều doanh nghiệp không gượng nổi. "Các doanh nghiệp quá khó khăn, nhân viên của nhiều công ty mới chỉ đi làm lại được gần một tháng thì bây giờ rơi vào cảnh ở nhà, chờ việc, chi phí dự phòng của nhiều doanh nghiệp gần như cạn kiệt", ông Thọ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.