Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thường xuyên quảng bá hình ảnh hiện vật và bảo vật quốc gia trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế nhằm lan tỏa giá trị các bảo vật quốc gia tại Huế.
7/8 bảo vật quốc gia được trưng bày phục vụ du khách
Tính đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý 8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Các bảo vật quốc gia này gồm: Cửu vị thần công (gồm 9 khẩu, đặt tại cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhân), Cửu đỉnh (gồm 9 hiện vật, đặt tại sân Thế Miếu), Bộ sưu tập vạc đồng (gồm 10 hiện vật, đặt tại sân trước nền điện Cần Chánh, nền cung Khôn Thái, sân trước nền điện Kiến Trung, hiên điện Long An và tại sân trước điện Ngưng Hy, lăng vua Đồng Khánh), Ngai vua triều Nguyễn (đặt tại điện Thái Hòa), Áo tế giao (đang lưu giữ tại kho cổ vật của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), Bia Khiêm cung ký (tại lăng Tự Đức), Đại hồng chung và Bia "Ngự kiến Thiên Mụ Tự" (đều đặt tại chùa Thiên Mụ).
Trong số các bảo vật quốc gia, chỉ có hiện vật Áo tế giao được bảo quản tại kho cổ vật Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, những hiện vật còn lại đều được trưng bày phục vụ du khách.
Tại các điểm hiện đang trưng bày bảo vật quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đặt biển giới thiệu tại chỗ, đồng thời gắn mã QR code để du khách có thể truy cập thông tin, tìm hiểu sâu hơn về hiện vật. Toàn bộ các bảo vật quốc gia đều đã được số hóa 3D để phục vụ việc quản lý và phát huy giá trị.
Trong số các bảo vật quốc gia nêu trên, nổi bật là Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2012. Mới đây, vào tháng 5/2024, hồ sơ "Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" (hay còn có tên gọi khác Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế) được công nhận là Di sản tư liệu Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.
Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mệnh ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay. Vua Minh Mệnh cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam, với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia.
Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, hình ảnh kênh Vĩnh Tế trên Cao đỉnh là một minh chứng rõ nét.
Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế đã được ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới với số phiếu 23/23 nước tham gia.
Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế được vinh danh là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, điều này đã gia tăng thương hiệu di sản Huế.
Thêm 4 hiện vật đủ điều kiện đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, mới đây, 100% ý kiến của Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý 4 hiện vật, nhóm hiện vật quý dưới triều Nguyễn đủ tiêu chí đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận bảo vật quốc gia. Đó là: Ngai vua Duy Tân, bức phù điêu thời Minh Mạng (cùng đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), cặp rồng chầu thời Thiệu Trị (tại sân Duyệt Thị Đường), chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng (tại lầu Ngũ Phụng).
Chuông Ngọ Môn là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa, kỹ nghệ đúc đồng thời Minh Mạng nói riêng và Triều Nguyễn nói chung. Đây là chiếc chuông duy nhất được đúc để đặt tại không gian cổng chính ở phía nam, cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Chuông được sử dụng trong tất cả nghi lễ cung đình, được coi là biểu tượng của vương triều phong kiến.
Ngai hoàng đế Duy Tân được triều đình đặc chế riêng cho ngài khi ông lên ngôi năm 7 tuổi. Kiểu thức, hoa văn trang trí trên ngai áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng, chạm nổi hay chạm lộng, phần nào thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng như bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đương thời.
Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng là hiện vật bằng đá cẩm thạch duy nhất lưu lại dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng, thể hiện thông qua bài thơ "Ngự chế" và bài "Minh" được khắc trên 2 mặt của phù điêu. Đây là một kiệt tác tiêu biểu, độc đáo, không chỉ thể hiện đỉnh cao của kỹ nghệ chạm khắc đá mà còn thể hiện trình độ, kỹ thuật điêu khắc gỗ của các nghệ nhân dưới thời Nguyễn.
Tượng rồng thời Thiệu Trị là bộ hiện vật bằng đồng có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa; là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc "kim ấn bảo tỉ" được đúc dưới các triều từ Minh Mạng đến Thiệu Trị với kiểu thức "hình rồng quấn".
Theo ông Võ Quang Huy- Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đa số các bảo vật quốc gia do Trung tâm quản lý là những hiện vật có kích thước lớn, trương bày thường xuyên phục vụ du khách. Mặc dù đơn vị đã có nhiều phương án bảo vệ như dựng nhà bao che, phân công lực lượng trực bảo vệ nhưng do một bộ phận du khách thiếu ý thức, thường xuyên viết, vẽ, khắc lên các hiện vật đang trưng bày là những yếu tố khó khăn trong công tác bảo quản, bảo vệ hiện vật.
Ngoài ra, bảo quản hiện vật là công việc đòi hỏi những người có đào tạo bài bản về chuyên ngành, có kinh nghiệm trong thực tiễn, nhưng nguồn nhân lực này hiện nay vẫn còn thiếu, gây khó khăn trong bảo quản hiện vật, đặc biệt là bảo vật quốc gia.
Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiến hành số hoá cho hơn 200 hiện vật, bao gồm những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành số hoá 3D cho hiện vật, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, trưng bày hiện vật.
Để phát huy giá trị, Trung tâm đã, đang và sẽ tiếp tục thường xuyên quảng bá hình ảnh hiện vật và bảo vật quốc gia trên các phương tiện thông tin, phối hợp với các vị truyền thông làm phim truyền hình về các bảo vật, giới thiệu trên truyền thông quốc tế. Đặc biệt là đưa thông tin và giá trị các hiện vật, bảo vật quốc gia vào chương trình Giáo dục di sản nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu biết về nguồn gốc lịch sử, giá trị của bảo vật, để các em có ý thức gìn giữ góp phần vào công tác bảo tồn cũng như phát huy giá trị của bảo vật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.