Làng Cao La: Ca bằng miệng, nhớ bằng óc

Bùi Mỵ LươnG Thứ hai, ngày 20/04/2015 08:06 AM (GMT+7)
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tiếng phách, điệu đàn sâu lắng lời ca luyến láy của ca trù vẫn được những người nghệ sĩ - nông dân làng Cao La gìn giữ và làm cho tươi nhuận.
Bình luận 0

Ca bằng miệng, nhớ bằng óc

Xã Dân Chủ (Tứ Kỳ, Hải Dương) là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù, nơi đây có cụ Nguyễn Phú Đẹ- “cây đàn đáy số 1” của Việt Nam. Đến thôn Cao La khi đồng hồ điểm 21 giờ, trên đường vắng bóng người đi lại, cảnh vật như chìm đắm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt mỏi, thế nhưng không gian tĩnh lặng ấy lại lúc để những người nông dân yêu ca trù có khoảng thời gian được sống với tình yêu văn nghệ của mình.

img
Những tối tập của Câu lạc bộ ca trù Dân thường kết thúc vào lúc 11giờ.  Ảnh: Mỵ Lương

Giờ ấy, tất cả thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Dân Chủ đều đã có mặt tập luyện tại nhà cụ Đẹ. “Nếu để quy tụ cả đội tập luyện vào ban ngày là điều rất khó vì người bận làm đồng, người đi công xưởng. Vậy nên thời gian học ca trù mọi người đều phải tranh thủ. Có hôm khi chồng con gọi điện, chị em trong đội mới đứng dậy ai về nhà nấy” – cụ Nguyễn Trương Quang Hiến- Trưởng giáo phường ca trù xã Dân Chủ cho biết.

Trong căn nhà nhỏ, hình ảnh ông lão 93 tuổi với dáng người gầy gò, cao cao, mái tóc bạc phơ, đeo kính trực tiếp “cầm tay chỉ việc,” uốn nắn từng ngón tay giúp học trò biết dùng kỹ năng tạo ra âm hưởng của tiếng đàn, giọng hát. Cụ Đẹ chia sẻ: “Tuổi của ca trù nơi đây không ai tính được. Gia đình nhà tôi cả họ đi hát, được gọi là họ Trùm, trước đây trong họ có cả nhà thờ ca công”. Ngắm nhìn cụ Đẹ khoan thai biểu diễn đàn đáy, nhấn nhả ngân nga trầm bổng, dạy từng lời cho ca nương tập luyện chuẩn bị cho buổi hội diễn sắp tới mới thấy hết được sự yêu nghề và tâm huyết truyền nghề nơi cụ Đẹ. Đồng thời, cũng thấy được sự “say nghề” nơi những người nghệ sĩ- nông dân khi tham gia CLB Ca trù Dân Chủ.

Với công việc bề bộn tại một nhà máy may trong địa bàn huyện, gia đình bà Nguyễn Thị Tỉnh (67 tuổi) còn cấy thêm vài sào ruộng để trang trải cuộc sống. Chia sẻ về cách học ca trù của mình, bà Tỉnh cho hay: “Do thời gian học tại nhà cụ Đẹ không nhiều nên những giai điệu như: “Hát nói”, “Xẩm huê tình”, “Hồng hồng tuyết tuyết”,… đều phải ghi âm cẩn thận để lúc rảnh rỗi cô mở ra tự học. Gặp chỗ khúc mắc chưa hiểu, cô “để dành” về nhà tranh thủ sang nhà học hỏi lại cụ Đẹ để hiểu biết thêm. Có lần vì tham gia văn nghệ, vì công việc không xin nghỉ được nên kết quả cuối tháng cô bị trừ mấy trăm nghìn tiền lương” - bà Tỉnh nhớ lại.

Với sự tận tâm và cách truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ của cụ Đẹ, các thành viên trong CLB đã biểu diễn được nhiều làn điệu. Trong đó có em Nguyễn Thị Duyên (20 tuổi), thành viên trẻ nhất của đội ca trù đã giành Huy chương Bạc khi tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc với tiết mục “Gửi thư”, “Hát nói”. Khi đó, Duyên mới tròn 13 tuổi.

“Ca trù là phải ca bằng miệng và nhớ bằng óc. Mặc dù đang ốm mấy hôm nay nhưng thấy học trò sang tập là tôi lại nhỏm dậy. Bởi học trò đến mà không dạy thì mình vô tình quá! Mỗi khi suy nghĩ hay đau ốm thì cầm lấy cây đàn lên là quên hết cả bệnh tật” – cụ Đẹ chia sẻ.

Ca trù vẫn gặp nhiều khó khăn

Quan điểm

Cụ Nguyễn Phú Đẹ
  Mặc dù đang ốm mấy hôm nay nhưng thấy học trò sang tập là tôi lại nhỏm dậy. Bởi học trò đến mà không dạy thì mình vô tình quá!” 
Nói về thành viên trong CLB Ca trù Dân Chủ, cụ Trương Quang Hiến ngậm ngùi cho hay: “Hiện nay, số thành viên của đội chỉ còn lại 16 người, trong đó có 3 kép đàn (trong đó có cụ Đẹ là kép đàn chính), 3 nghệ nhân trống, còn lại là ca nương. Vậy là đội bị mất “non” chục người so đội ca trù hùng mạnh trước đây. Bởi người già bệnh tật, các cụ không còn nữa. Người trẻ kẻ đi học, người đi lấy chồng xa không tham gia diễn ca trù được. Thật là đáng tiếc quá!”

 

Cụ Hiến cũng lý giải về cái khó, “kén” người xem và ít đất diễn của nghệ thuật ca trù so với nghệ thuật trình diễn khác như chèo, dân ca, quan họ,... Cụ Hiến trăn trở: “Dù được tham gia hội diễn mỗi năm trong địa bàn tỉnh nhưng số lần biểu diễn của CLB Ca trù xã Dân Chủ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả đội rất muốn được đi biểu diễn trong các lễ hội, đình đám trong và ngoài địa phương nhưng không có lời mời nào đối với ca trù. Vì vậy các thành viên trong CLB đôi khi cảm thấy chạnh lòng.”

Người trẻ tuy có thiết tha nhưng chưa thực “mặn mà” trong việc lưu giữ vốn quý của địa phương. Nói vui về điều này, cụ Nguyễn Phú Đẹ nhìn lại lớp học trò của mình phần lớn đều đã ngoài 45 tuổi, cụ Đẹ mỉm cười chia sẻ: “Tiếc quá! Giờ đây có lẽ tôi nên chọn học trò trung tuổi trở lên thôi, có vậy người học mới bền mới gắn bó với ca trù được.

Dạy cho các cháu nhỏ rất quý nhưng các cháu người đi học, lấy chồng xa xôi. Vì vậy chưa góp phần phát triển phong trào ca trù được, chưa kể những học trò trẻ bỏ ngang bỏ ngửa, bao nhiêu công sức dạy trò như vậy coi như đổ bể”.

Kinh phí cho từng thành viên trong CLB ca trù là không có. Ông Nguyễn Hồng Quảng- Trưởng phòng VHTT huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cho biết: “Vì điều kiện kinh phí còn khó khăn nên việc hỗ trợ thường xuyên là chưa có cho CLB Ca trù Dân Chủ. Trước đây, huyện cũng tạo điều kiện mở lớp dạy ca trù nhưng không có nhiều người đến tham gia. Bản thân các cụ tâm huyết, yêu ca trù hết lòng dạy bảo, không phải vì tiền mới đi biểu diễn. Tuy nhiên chúng tôi cũng hi vọng sẽ có sự hỗ trợ thêm cho các thành viên để CLB phát triển hơn nữa”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem