Làng cổ Phước Tích nổi tiếng hiếu học, nhiều người tuổi thọ cao, mang tên từ thời vua Gia Long
Ở Huế có một làng cổ nổi tiếng hiếu học, nhiều người tuổi thọ cao, mang tên từ thời vua Gia Long
An Sơn
Thứ hai, ngày 12/02/2024 05:18 AM (GMT+7)
Không chỉ là nơi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc của làng Việt xưa, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn là ngôi làng nổi tiếng về sự hiếu học và trường thọ.
Với mật độ nhà rường cổ dày đặc tọa lạc trong những khu vườn rợp bóng cây trái nằm bên dòng sông Ô Lâu bốn mùa xanh biếc, làng cổ Phước Tích đẹp như bức cổ họa.
Ông Lê Trọng Phú- chủ nhân của ngôi nhà rường cổ gần 300 năm tuổi- là người rất thông thái. Ông cho hay, làng Phước Tích được thành lập vào năm 1470, dưới triều Vua Lê Thánh Tông.
"Xứ Huế có nhiều ngôi làng nổi tiếng về nhà rường, nhưng chẳng nơi nào nhà rường lại dày đặc và đẹp như ở Phước Tích" - ông Phú tự hào.
Hiện Phước Tích còn khoảng gần 40 ngôi nhà rường cổ từ 100-300 năm tuổi, tọa lạc giữa những khu vườn rộng hàng nghìn m2 rợp bóng cây trái. 24 ngôi nhà rường trong số này là nhà ở của người dân, số còn lại là nhà thờ họ tộc.
Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ chạm khắc làng mộc Mỹ Xuyên nổi tiếng (ở gần đó), các bộ phận của nhà rường như vì kèo, xuyên, trách, đố, liên ba, cửa bàng khoa… được chạm trổ cực kỳ công phu và tinh tế.
Đầu làng Phước Tích có cây thị ước tính 1.000 năm tuổi, chu vi thân cây đến 3-4 sải tay người lớn. Làng có đầy đủ miếu thờ Khổng Tử, miếu thờ các vị thần linh, ông tổ khai canh và ông tổ nghề gốm.
Thời hoàng kim, Phước Tích có 12 lò nung gốm liên tục đỏ lửa, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp khu vực miền Trung.
Nhiều năm nay, một số lò gốm ở làng đã đỏ lửa trở lại để phục vụ khách du lịch. Sau khi được công nhận Di tích quốc gia vào tháng 6/2009, làng cổ Phước Tích trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Làng hiếu học và làng trường thọ
Nói đến sự học, Phước Tích là ngôi làng hiếu học nổi tiếng bậc nhất xứ Huế. Từ khi nghề gốm ngày càng mai một, làng lại không có ruộng, người dân Phước Tích hướng con cái theo con đường học hành với mong muốn sẽ thoát nghèo.
Hiện nay làng có trên 30 giáo sư, tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn cử nhân và thạc sĩ nhiều không đếm hết. Kể về một số tên tuổi hiếu học nổi bật của làng mình, cụ ông Lương Thanh Hiền nhắc đến PGS - TS Trương Thế Kỷ, GS - TS Phan An và hàng loạt tên tuổi nổi tiếng khác.
Ông Lê Trọng Nam (từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Mỹ) nói rằng con em Phước Tích vươn lên từ đường học hành rồi theo nhiều nghề, trong đó nghề giáo và nghề y là hai nghề phổ biến nhất.
Hiện gần như mọi gia đình trong làng Phước Tích ít nhất cũng có một người theo nghề dạy học, nhiều gia đình tất cả con cái đều theo nghề giáo. Như gia đình ông Lê Trọng Diễn có 4 người con đều theo nghề dạy học.
Trưởng làng Hoàng Tấn Minh cho hay, toàn làng Phước Tích chỉ có hơn 300 khẩu nhưng có đến hơn 200 cụ già, hầu hết đều ở độ tuổi từ 70 đến hơn 100 tuổi. Trong đó, số người từ 80 tuổi trở lên hiện gần 40 người...
Đã 93 tuổi nhưng cụ Lê Trọng Cờ vẫn còn khỏe mạnh, đọc sách báo không cần đeo kính lão, việc cuốc vườn vẫn làm đều đặn mỗi ngày. Hỏi chuyện, cụ cười: "Ở làng ni, tuổi như tui là còn thuộc lớp... trẻ, nên đương nhiên phải khỏe rồi".
Như để chứng minh lời nói của mình, cụ Cờ lần lượt dẫn tôi đến thăm nhiều cao niên trong làng, như các cụ Nguyễn Thị Lượng 101 tuổi, cụ Đoàn Thị Tiêu 90 tuổi và nhiều cụ trên 90 tuổi khác. Cụ nào cũng khỏe mạnh và thông thái, am tường chuyện làng trên xóm dưới...
Theo ông Hoàng Tấn Minh, nguyên nhân khiến người dân Phước Tích trường thọ là do được sống trong môi trường sạch, ăn uống sạch và sống lương thiện.
Môi trường sống của người dân nơi đây hết sức trong lành nhờ những vườn cây trái quanh năm tỏa bóng mát. Ngoài gạo phải mua vì làng không có ruộng, còn thực phẩm thì hầu hết hộ dân đều tự túc bằng việc chăn nuôi, trồng trọt trong vườn nhà, nên vừa sạch vừa ngon.
Về việc sống lương thiện thì người dân Phước Tích nổi tiếng khắp miền Trung. Theo các cao niên trong làng, ban đầu làng có tên là Phúc Giang, đến đời Vua Gia Long được đổi tên thành Phước Tích, nhằm để dân làng coi trọng việc tích lũy phúc đức bằng cách sống lương thiện.
Mỗi người dân Phước Tích ngay từ nhỏ đều được cha mẹ răn dạy kỹ lưỡng về đạo làm người, về lối sống lấy sự thành thật, nhân nghĩa, bao dung làm trọng.
"Sống coi trọng đạo đức nên đầu óc luôn trong sạch, tinh thần lúc nào cũng thanh thản, vì rứa nên mới sống được lâu" - cụ Đoàn Thị Tiêu bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.