Làng Jrai hiếu học

Thứ năm, ngày 10/05/2012 18:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng Rbai A, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai hầu hết là đồng bào dân tộc Jrai cư trú lâu đời. Chính nơi đây đã sinh ra bao lớp cán bộ nguồn cho địa phương nhờ tinh thần hiếu học.
Bình luận 0

Làng cán bộ

Đến Phú Thiện, nhắc tên một vài vị cán bộ cấp cao từ tỉnh đến huyện đều nhận được câu trả lời đầy tự hào: "Họ đều là con cháu của làng Rbai A đó". Điển hình là ông Ksor Keng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai; bà Siu Hương - cán bộ Tư pháp tỉnh Gia Lai, đại biểu Quốc hội khóa XIII; ông Nay Suin - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai; ông Rchơm Xuân trước đây là Phó ban Tuyên giáo huyện Phú Thiện (Gia Lai), nay giữ chức Bí thứ Đảng ủy xã Ia Piar…

img
Bà Siu H'Ngôn (phải) tự hào với thành tích học tập của các con.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ các cấp từ huyện đến tỉnh được sinh ra từ Rbai A tính đến nay là 130 người. Trong đó có 24 người đạt trình độ đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Riêng nghề giáo, làng có trên dưới 30 người. Thầy Phạm Minh Quân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: “Trường có tới 80% giáo viên là người làng Rbai A…”.

Khó có thể tin được một vùng đất nghèo, sống hoàn toàn bằng nghề nông, lại có một thành tích về học tập đáng nể đến vậy. Hằng năm, số gia đình được phong danh hiệu "Gia đình hiếu học" của làng ngày càng tăng.

Thầy Rmah Xôn - Phó Trưởng phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục huyện Phú Thiện, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học bao đời nay của làng Rbai A. Gia đình thầy có 9 anh chị em thì nay có đến 7 người có trình độ ĐH,CĐ và đều là đảng viên, giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước từ cấp xã đến tỉnh. Hiện thầy có 4 người con đều đạt trình độ ĐH,CĐ và có việc làm ổn định.

Hiếu học là truyền thống

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tinh thần hiếu học của làng Rbai A có từ những năm 80, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Cô Vũ Thị Lý - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện nhớ lại: "Năm 1986, khi tôi là Hiệu trưởng Trường Ia Piar 2, trường có tới gần chục giáo viên từ làng Rbai A qua giảng dạy. Từ đó, cán bộ, giáo viên, bác sĩ được sinh ra từ vùng đất khó này ngày càng tăng.

Làng Rbai A hiện có trên 20 em là sinh viên đang theo học các trường ĐH, CĐ có tiếng trên cả nước như Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Quân y Hà Nội…

Bà Siu H'Ngôn - mẹ đại biểu Quốc hội khóa XIII Siu Hương tự hào: Các con đứa nào cũng ham học nên mình phải cố gắng. Mình nghèo cái chữ nên phải ráng cho các con có cái chữ.

Một điều thực sự đáng mừng là các thế hệ sau vẫn đang miệt mài đèn sách, phấn đấu giữ vững nếp làng khi có đến 99% các em trong độ tuổi đều đến trường. Có rất nhiều em quyết tâm theo con đường học vấn. Em Siu H'Vơi thi vào Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh năm đầu không đủ điểm, được rất nhiều trường cao đẳng gọi nhập học, nhưng em cương quyết ôn thi lại với lý do: "Các anh chị em, ai cũng học đại học".

Với những chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, làng Rbai A đã và đang nêu một tấm gương sáng cho cộng đồng người Jrai nói riêng, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung về tinh thần hiếu học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem