Làng kỳ tích ở Hàn Quốc: Thu nhập 50 ngàn USD/người/năm

Nguyễn Xuân Định (Trưởng ban Hợp tác quốc tế-T.Ư Hội NDVN) Thứ hai, ngày 23/04/2018 15:17 PM (GMT+7)
Nhờ phát triển nông nghiệp hàng hóa bài bản kết hợp với du lịch nghĩ dưỡng, ngôi làng San Mo Ru, tỉnh Gyeong-gi Do của Hàn Quốc có thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt khoảng 50.000 USD/người/năm, cao hơn mức trung bình của cả nước...Đây là 1 trong số các ngôi làng kỳ tích ở xứ sở nhân sâm...
Bình luận 0

Tiếp theo chương trình làm việc tại Hàn Quốc, ngày 22/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác thăm làng mới San Mo Ru và gặp gỡ trao đổi với nông dân tại tỉnh Gyeong-gi Do...

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN và đoàn công tác thăm, làm việc với lãnh đạo làng San Mo Ru, tỉnh Gyeong-gi Do của Hàn Quốc.

Tại làng San Mo Ru, đoàn đã được anh Kim Jeong Dae, trưởng làng tiếp và trao đổi về tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của làng. Anh  Kim Jeong Dae cho biết anh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý hành chính công và là người có thu nhập cao nhất làng, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng làng.

Nông dân thu nhập 50 ngàn USD mỗi năm

Ở các làng của Hàn Quốc, trưởng làng do dân bầu, không có tiêu chuẩn cụ thể, những người được bầu làm trưởng làng thường là người có trình độ, uy tín và thu nhập cao. Làng của anh Kim Jeong Dae có 120 hộ với 300 nhân khẩu. Trước đây người dân trong làng chủ yếu trồng lúa, thu nhập rất thấp. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa còn rất ít, hầu hết các hộ chuyển sang chăn nuôi lợn, gà, bò, trồng cây dược liệu, cây đặc sản có giá trị kinh tế cao hơn, nhất là trồng, thu hái, làm rượu nho, trồng cỏ, nuôi bò sữa, chế biến sữa. Đặc biệt, làng đã phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch để nâng cao thu nhập...

img

Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tại chổ là 1 trong những mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị của nông dân làng San Mo Ru.

Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa làng, dân làng chỉ đóng góp kin phí sửa chữa, nâng cấp. Nhà văn hóa làng do nhân dân tự quản, có nhiều tiện ích như giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin, tổ chức hội họp, tập huấn đào tạo, dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, vui chơi giải trí...

Hiện nay, lực lượng lao động của làng San Mo Ru là thanh niên chiếm khoảng 30%, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt khoảng 50.000 USD/người/năm, cao hơn mức trung bình của cả nước, càng ngày nhân dân càng gắn bó với quê hương và ngành nghề nông nghiệp.

Người già trong làng San Mo Ru được nhận trợ cấp của Chính phủ hàng tháng tùy vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình và được hỗ trợ bữa ăn trưa tập trung. Anh Kim Jeong Dae cũng cho biết thêm trong giai đoạn đầu xây dựng làng mới có một bộ phận lớn thanh niên dời làng quê đi tới các thành phố để tìm việc làm có thu nhập cao.

Nhưng sau khi làng mới được xây dựng với hạ tầng đồng bộ và lựa chọn được cơ cấu kinh tế thích hợp, thu nhập ngày càng cao và có sức thu hút những người thanh niên có trình độ chuyên môn cao là con em của làng từ các thành phố trở lại nông thôn, tạo nên nguồn lực trí tuệ và sức trẻ.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng bày tỏ sự cảm phục đối với cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và thành tựu của làng San Mo Ru. Ông Thào Xuân Sùng cho rằng một trong những nhân tố tạo nên thành công của làng là có tới 50% con em dân làng tốt nghiệp đại học quay trở về để trực tiếp sản xuất nông nghiệp và khoảng 30% lao động trong làng là thanh niên. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch vừa giúp người dân hiểu về nông nghiệp, văn hóa, lịch sử của địa phương, vừa kích thích sản xuất phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác tìm hiểu về nghề trồng nho, làm rượu nho, kinh doanh các sản phẩm từ nho của làng San Mo Ru.

Thực tiễn mô hình làng mới của Hàn Quốc đã minh chứng mong ước của người dân Việt Nam về phát triển nông nghiệp và nông thôn một cách bền vững theo phương châm “không ly nông, không ly hương”.

Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, từ thực tiễn làng mới ở Hàn Quốc cho thấy Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới công tác tập huấn đào tạo nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hội viên, nông dân…

Hợp tác hỗ trợ nông dân Việt Nam

Tại buổi làm việc với công ty công nghệ Hàn Quốc (Agerigna) về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ông Im Byoung Min, Chủ tịch HĐQT công ty và Chủ tịch Thào Xuân Sùng đã thống nhất cao chủ trương hợp tác xây dựng và vận hành “Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nông dân – Trung tâm Nongtalk”.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác nghe lãnh đạo Công ty công nghệ Hàn Quốc (Agerigna) giới thiệu về mô hình hoạt động của Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nông dân – Trung tâm Nongtalk.

Trung tâm ra đời với mục đích cung cấp thông tin, kiến thức cho nông dân về các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thông tin giá cả, thị trường; kết nối cung-cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng; thúc đẩy liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và các thành phần trong chuỗi giá trị nông sản.

Trung tâm cũng là nơi chia sẻ các kinh nghiệm hay, mô hình tốt; các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giáo dục con cái, du lịch…; hợp tác đầu tư xây dựng cá chợ bán buôn, trung tâm đấu giá nông sản… Trung tâm Nongtalk sẽ là đơn vị trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam. Mọi thông tin từ Trung tâm cung cấp đều do Hội Nông dân Việt Nam quyết định.

Theo đó, Công ty Agerigna sẽ đầu tư phần lớn kinh phí cho việc thành lập và vận hành Trung tâm. Dự kiến nông dân, các tổ hợp tác, Hợp tác xã sẽ được cung cấp thông tin miễn phí.

Ông Im Byoung Min tin tưởng rằng việc hợp tác thành lập và vận hành Trung tâm sẽ góp phần nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho nông dân Việt Nam.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng hy vọng rằng công ty đã góp phần tạo nên những thành tựu kỳ diệu về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Hàn Quốc thì cũng sẽ dành cho Việt Nam sự hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam.  

Chủ tịch Thào Xuân Sùng thay mặt đoàn cám ơn lãnh đạo công ty và cá nhân ông Im Byoung Min đã tích cực hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam trong việc hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Trung tâm Nongtalk.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng (trái) nghe trưởng làng San Mo Ru (Hàn Quốc) giới thiệu về các sản phẩm nông nghiệp của làng được trưng bày tại nhà văn hóa.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng trong điều kiện trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam còn thấp và việc cung cấp dịch vụ thông tin về nông nghiệp cho nông dân còn hạn chế thì việc hợp tác xây dựng Trung tâm sẽ giúp nông dân Việt Nam tiếp cận một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ về những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp ở trong nước cũng như trên thế giới nhằm đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Agerigna (Hàn Quốc) sẽ phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng và đưa Trung tâm Nongtalk vào hoạt động, góp phần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành những thôn, ấp, bản, làng đáng sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem