Lăng mạ CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn, lái xe bị xử lý về hành vi gì?

Quang Minh Thứ tư, ngày 22/02/2023 06:57 AM (GMT+7)
Các hành vi như đe dọa, dùng vũ lực với lực lượng chức năng (CSGT, Thanh tra GTVT) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "chống người thi hành công vụ".
Bình luận 0

Câu hỏi: 

Anh Nguyễn Hồng Quang ở TP.Hà Nội hỏi:

Tôi thấy một số lái xe trong quá trình bị cảnh sát giao thông dừng xe yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã có những hành vi, lời nói chưa chuẩn mực, thậm chí là lăng mạ cảnh sát giao thông. Vậy, họ có thể bị xử lý về những tội danh gì?

Trả lời:

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật:

Hành vi lái xe chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ khi tham gia giao thông trong thời gian gần đây, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Đây không đơn thuần là hành vi thiếu văn hóa giao thông mà là ý thức không tuân thủ, coi thường pháp luật của người vi phạm. 

Các hành vi như đe dọa, dùng vũ lực với lực lượng chức năng (CSGT, Thanh tra GTVT) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "chống người thi hành công vụ" được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức phạt cao nhất là 7 năm tù.

Đặc biệt, trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết người thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Chương XIV Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì lái xe  sẽ phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời, tước GPLX từ 22-24 tháng.

Lăng mạ CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn, lái xe bị xử lý về tội danh gì? - Ảnh 2.

CSGT hoàn toàn có thẩm quyền dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn với tài xế. Ảnh: Dân Việt.

Với ô tô, lái xe vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng (Điểm a Khoản 10 Điều 5); tước GPLX từ 22 - 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định cụ thể 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, bao gồm: 

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra;

Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, CSGT có quyền dừng xe kiểm tra theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ hoặc chuyên đề kiểm tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem