Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem

Thảo Quyên - Bích Thuận Thứ sáu, ngày 11/11/2022 06:15 AM (GMT+7)
Múa rối nước làng Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã có từ hơn 300 năm nay. Tại cái nôi của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, những nghệ nhân nơi đây sử dụng con rối làm sứ giả kể nên những câu chuyện ý nghĩa.
Bình luận 0

Clip làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem

Làng nghề múa rối nước truyền thống hơn 300 năm

Nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, làng Đào Thục cách nội thành Hà Nội 30km. Múa rối nước làng Đào Thục đã có từ thế kỷ 18 chính là cái nôi của nghề múa rối nước truyền thống.

Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem - Ảnh 2.

Thủy đình làng Đào Thục, nơi biểu diễn các tiết mục múa rối. Ảnh: Thảo Quyên - Bích Thuận.

Làng Đào Thục xa xưa có tên là Đào Xá, đến thời Đồng Khánh (1886-1888) được đổi tên thành Đào Thục. Tương truyền, rối nước làng Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Ông tổ của nghề là cụ Đào Đăng Khiêm (tên tự là Nguyễn Đăng Vinh), sau khi đỗ Thám hoa được bổ nhiệm làm quan Tổng nội giám trong triều Lê.

Khi làm quan trong triều, ông đã học hỏi được nhiều kỹ nghệ của các phường nghề, sau này khi đã rời xa chốn quan trường, ông lập nên các phường hội như: phường Võ, phường Thầy, Phường Thợ, phường Thó (đóng cối) và phường Rối.

Rối nước Đào Thục cũng ra đời từ đó. Đến nay, đã trải qua hơn 300 năm biến thiên của lịch sử, những phường hội khác đã dần biến mất chỉ phường rối vẫn được dân làng gìn giữ và phát triển. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã đề nghị với triều đình phong Hậu Thần, lập bia đá để thờ phụng.

Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem - Ảnh 3.

Các nghệ nhân sử dụng con rối làm sứ giả kể những câu chuyện dân gian, tái hiện lại cuộc sống mộc mạc, gắn bó với làng quê... Ảnh: Bích Thuận - Thảo Quyên.

Ông Đặng Minh Hưng (65 tuổi) ở làng Đào Thục chia sẻ: "Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đã có lúc tưởng chừng như múa rối sẽ mất đi. Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhờ sự quan tâm của chính quyền mà múa rối làng Đào Thục mới giữ được cho đến ngày nay. Phường rối nước Đào Thục cũng được biểu diễn ở khắp nơi trên cả nước, thậm chí được ra nước ngoài biểu diễn, nhận về nhiều bằng khen, giấy khen". 

Các nghệ nhân sử dụng con rối làm sứ giả kể những câu chuyện dân gian, tái hiện lại cuộc sống mộc mạc, gắn bó với làng quê, cũng như giây phút người dân Việt Nam anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của quê hương.

Mỗi một tiết mục biểu diễn múa rối nước sẽ có từ 7-8 nghệ sĩ tham gia điều khiển con rối. Có tiết mục phải đến 14-16 nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn. Làng có hơn 50 nghệ sĩ múa rối nước, ca sĩ, nhạc công. Với họ, ngoài những công việc mưu sinh khác nhau, mọi người đều có chung lòng yêu nghề với nghệ thuật múa rối nước.

Họ trân trọng, gìn giữ nghề tổ vì niềm đam mê và tình yêu với nghệ thuật dân gian. Sau những tràng pháo tay của khán giả là những người nghệ nhân đang đứng sau mà trò, trầm mình dưới làn nước lạnh trải qua bao khổ luyện, cay đắng mới có được.

Ông Đặng Minh Hưng (65 tuổi) kể thêm: "Ngày xưa không có bộ đồ bảo hộ như bây giờ, những người nghệ nhân biểu diễn phải chịu lạnh để xuống nước. Nhiều khi lạnh quá phải uống cả nước mắm để cho ấm người".

Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem - Ảnh 5.

Đằng sau màn trò, nơi các nghệ nhân điều khiển con rối, độ sâu của nước có thể lên đến thắt lưng của người nghệ nhân. Ảnh: Bích Thuận - Thảo Quyên.

Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người nghệ nhân và con rối làm nên sự khác biệt, hấp dẫn.

Nét riêng biệt của rối nước Đào Thục

Rối nước làng Đào Thục gây sức hút với hơn 10 tích trò nổi tiếng đa phần đều là những vở rối truyền thống từ thời mới thành lập. Những tiết mục hầu hết đều bắt nguồn từ những câu chuyện thường nhật, gắn liền với người nông dân như: cấy lúa, câu cá, chăn trâu,… hay những tiết mục biểu diễn theo các câu chuyện truyền thuyết như Thạch Sanh,…

Bên cạnh những vở rối truyền thống, phường rối làng Đào Thục còn sáng tạo ra nhiều tích trò ý nghĩa bắt nguồn từ những sự kiện có thật trong lịch sử và trong cuộc sống như: Rước ảnh Bác Hồ, quan họ mời trầu, Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không,…

Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem - Ảnh 6.

Những con rối tạo hình chú bộ đội, máy bay B51 biểu diễn trong tiết trò Hà Nội 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Bích Thuận - Thảo Quyên.

Mỗi tích trò là một câu chuyện và ý nghĩa riêng. Mỗi vở rối chính là những "thước phim" chân thực nhất cuộc sống nông dân, thể hiện đặc sắc qua lời kể dí dỏm vui nhộn toát lên sự lạc quan trong cuộc sống thuần nông của dân tộc ta. Đến cả những nhân vật rối cũng rất gần gũi và thân thương, như con trâu, chú tễu, cô tiên, chú bộ đội,…

Những tích trò sáng tạo mới, có sự cải tiến nhưng vẫn không mất đi cái hồn truyền thống. Nghệ nhân tạo hình con rối phường rối Đào Thục, ông Nguyễn Văn Phi chia sẻ: "Để chế tác những con rối đòi hỏi người nghệ nhân không những phải thật khéo léo mà còn phải biết biết thể hiện cái hồn của con rối. Con rối chính là khối sống, khối cử động được, mỗi con rối sẽ đại diện cho một thân phận, một con người. Tuy vậy, việc tạo hình con rối vẫn phải giữ được nét truyền thống".

Những con rối được tạo nên từ gỗ sung. Bởi gỗ sung vừa đảm bảo được chất lượng và mang ý nghĩa là sung túc, sung mãnh. Từ đời xưa, các cụ đã truyền lại kinh nghiệm: Gỗ sung nhẹ, thẩm thấu hạn chế vì con rối được biểu diễn ở dưới nước và gỗ sung giảm được nứt, vỡ…

Khác với múa rối nước ở các làng nghề khác, múa rối nước làng Đào Thục vừa có thể cử động tiến, lùi, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay, tạo nên sự nhịp nhàng, linh hoạt trong từng chuyển động.

Làng nghề cổ hơn 300 năm chế tác ra trò chơi dân gian "ngâm mình dưới nước" hút hồn người xem - Ảnh 7.

Những con rối nước đều có cái "hồn" rất riêng, không bị nhầm lẫn với bất kỳ nhân vật nào

Hằng năm, phường rối đều mở các lớp dạy nghề, truyền lại nghề tổ cho các lớp trẻ, mỗi lớp đào tạo sẽ có khoảng 16-20 người. Sau khi học xong, các học viên phải đi biểu diễn 2 năm mới được công nhận là nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước chân chính.

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến phường rối phải tạm đóng cửa 2 năm, ngay sau khi dịch qua đi, mọi người lại phấn khởi trở lại bên buồng trò, điều khiển những con rối chuyển động trên sân khấu nước. Phường rối luôn sẵn sàng biểu diễn mỗi khi có dịp lễ tết, du khách muốn trải nghiệm xem biểu diễn múa rối.

Những con rối vô hồn được các nghệ sĩ, nghệ nhân làng Đào Thục hóa thân, thông qua các động tác điêu luyện tạo nên một câu chuyện ý nghĩa, in đậm dấu ấn trong lòng người xem.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem