Làng nấu "nước cay" uống nhiều say từng được vua ban "Mỹ tục khả phong" ở tỉnh nào?

Thứ bảy, ngày 06/06/2020 08:30 AM (GMT+7)
Làng Vân, tên gọi khác là Yên Viên thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Năm Tự Đức thứ 22 (1869) làng Yên Viên được nhà vua ban tặng bốn chữ “Mỹ Tục Khả Phong” phần nào đã nói lên được phong tục truyền thống tốt đẹp ở làng quê bên dòng sông Cầu này.
Bình luận 0

Không chỉ là làng nghề nấu rượu nổi tiếng với thương hiệu “Vân Hương mỹ tửu”, làng Vân còn sở hữu nhiều di sản độc đáo trong đó có tục kết chạ với làng Đống Gạo, tên gọi khác là Ngũ Xá, thuộc xã Nguyễn Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

 Tục kết chạ giữa hai làng này khởi đầu từ việc làng Yên Viên đón sắc phong và làng Đống Gạo làm chùa.

Làng nghìn năm nấu rượu, đẹp như cổ tích được vua ban 4 chữ "Mỹ tục khả phong" - Ảnh 1.

Cổng làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Ảnh Internet)

Đó là vào năm 1703, các cụ làng Yên Viên lên kinh đô rước sắc, khi đến chợ Trục, thôn Đống Gạo, xã Nguyễn Xá thì trời tối, gió mưa mịt mù tầm tã không thể đi tiếp được. Dân làng Đống Gạo khi đó đã mang Long Đình, kiệu của đình làng mình ra đón các cụ làng Yên Viên. 

Sắc phong của làng Yên Viên được để lên kiệu đưa vào đình làng Đống Gạo tạm cất giữ và để trình báo Thần tại đình làng Đống Gạo. Các cụ làng Yên Viên được người làng Đống Gạo đón tiếp và nghỉ lại tới hôm sau mới chia tay.

Năm sau 1704, làng Đống Gạo tu bổ chùa, dân làng Yên Viên đã công đức 4 trụ cột cái. Từ đó trở đi, dân hai làng coi nhau như anh em ruột thịt. Ngày mồng 4 tháng 8 âm lịch hằng năm, dân Yên Viên mang lễ vật sang Đống Gạo gặp dân kết nghĩa. Ngày 16 tháng Giêng dân Đống Gạo lại mang lễ sang giao tiếp với dân Yên Viên.

Hai bên có giao ước đi lại kết nghĩa từ năm 1705. Trong đời sống thường ngày họ đều rất khiêm nhường, tôn trọng nhau, không ai chịu nhận làm bậc trên vì lẽ đó họ gọi nhau là anh chị và xưng em.

Các cụ cao tuổi của hai làng đã ngồi nói chuyện với nhau: “Hai làng tình nặng nghĩa sâu như sông như núi, vậy phải ghi lại sự tích này và lập giao ước giữa hai làng để con cháu muôn đời sau biết”. 

Bản giao ước có một số nội dung được quy định như sau: Khi làng Đống Gạo qua sông sang làng Yên Viên cũng như làng Yên Viên sang Đống Gạo hai bên không được thu tiền đò. Hai làng đi chợ qua lại không được thu tiền thuế bán hàng. Hai bên phải coi nhau như ruột thịt.

Ngày 4 tháng 8 âm lịch, làng Yên Viên sang làng Đống Gạo với lễ vật gồm có: Be rượu, quan tiền. Ngày 16 tháng Giêng làng Đống Gạo sang Yên Viên với lễ vật gồm có: Cau trầu, quan tiền. Bản giao ước giữa hai làng được các bậc kỳ lão, trưởng thôn ký vào ngày 10 tháng 2 niên hiệu Chính Hòa thứ 26- năm 1731.

Đây là phong tục tốt đẹp, làm cho tình đoàn kết hai làng gắn bó, họ thường giúp nhau trong cuộc sống. Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, đời sống nhân dân gặp khó khăn nhưng việc duy trì lễ nghĩa giữa hai làng chạ vẫn không thay đổi. 

Mỗi khi vào ngày hội lệ, làng Vân lại cử người mời làng Đống Gạo sang dự hội làng. Khi đoàn đại diện sang, làng Vân cử người ra tận bến sông Cầu để đón rước. Lễ đón được tiến hành trọng thể, có cờ, trống, bát âm, kiệu, có tuần đinh mặc áo nâu đi phù giá, chức sắc đi theo. Khi làng Vân sang làng Đống Gạo, cũng được đón tiếp trọng thể tương tự.

Trải qua gần 300 năm giao hảo, nghĩa tình hai làng Vân và Đống Gạo luôn luôn gắn bó và không chỉ diễn ra theo nghi thức nơi đình trung, điếm sở, lễ hội mà còn như mạch nước ngầm, thấm đến từng người dân hai chạ, nhất là khi hai làng có công việc lớn hoặc khi gặp hoạn nạn khó khăn.

Đồng Ngọc Dưỡng (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem