Lãng phí lớn nhất

Thứ năm, ngày 13/09/2012 19:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong vô số những thông tin về Luật Thuế thu nhập cá nhân, rất hài hước, có báo dẫn lời “một lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách” (của Quốc hội) “tiết lộ” trong 3 năm thực hiện Luật Thuế “đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng phần mềm quản lý thuế. Nay nếu số lượng người nộp thuế giảm đi thì sẽ gây ra sự lãng phí lớn”.
Bình luận 0

Vị quan chức nọ không nói rõ “đầu tư rất nhiều tiền” là bao nhiêu. Cũng không giải thích “sự lãng phí lớn” là lãng phí so với cái gì.

Chiều 12.9, Chính phủ tiếp tục bảo lưu đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 lên 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên mức 3,6 triệu đồng/tháng. Dù theo tính toán, sự thay đổi này khiến cho số người nộp thuế giảm từ 3,8 triệu xuống còn khoảng 1 triệu, tương ứng là nguồn thu ngân sách giảm đi mỗi năm 14.000-15.000 tỷ đồng.

Sự giảm trừ nguồn thu ngân sách, và “sự lãng phí phần mềm quản lý” là 2 trong những lý do khiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tiếp tục bảo lưu đề nghị giảm mức khởi điểm từ 9 triệu đồng xuống còn 7 triệu đồng và giảm mức giảm trừ từ 3,6 triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng.

Đề xuất này được đưa ra ngay trước và ngay trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ 1 tuần sau khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 cho biết thuế, phí “quá cao”, khi chiếm tới 21,3% GDP, cao gấp từ 1,4 - 3 lần các nước trong khu vực.

Có thể ở giác độ giám sát tài chính, ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lo lắng cho ngân khố bị giảm thu, chắc cũng sẽ giải thích là “vì dân”. Nhưng suy cho cùng, nếu việc giảm thu đó xuất phát từ việc nới bớt các khoản đóng góp trực tiếp từ túi người dân, thì người dân sẽ nhìn thấy rõ hơn sự vì dân trong các chính sách thuế. Hơn nữa, khó có thể thông cảm cho việc một ủy ban, gồm toàn những người đại diện cho dân chúng, lại đề xuất một thứ thuế lo cho ngân sách nhà nước, thay vì đại diện cho quyền lợi trực tiếp của người dân.

Nếu các nghị sĩ không nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, nhìn từ nước ngoài nhìn sang, hoặc tệ hơn, nhìn với lăng kính của một người đã lâu lâu “không ăn rau muống”, không làm dân, thì làm sao một chính sách có thể nói là vì dân được.

Cũng may là hôm qua, người dân còn được thấy những nghị sĩ hiểu được nỗi khốn khó của những người dân bị thuế, phí “chất củi trên vai”. Bởi sự phản ứng của dư luận, cũng chính là những giọt nước cuối cùng rơi xuống chiếc cốc đã đầy sự kiên nhẫn và chịu đựng.

Một phần mềm quản lý không được sử dụng hết công suất có thể là một sự lãng phí, nhưng liệu có sự lãng phí nào lớn hơn sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của người dân với những chính sách, những ý kiến vừa thiếu thực tế, vừa gây thêm khó khăn cho dân chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem