Lạng Sơn: Khó đạt 80% học viên có việc làm

Chủ nhật, ngày 14/11/2010 01:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cán bộ tuyên truyền nhưng không hiểu gì về chính sách dạy nghề cho nông dân; buộc phải dạy những nghề khó có đầu ra... Thực trạng này đang xảy ra tại một số điểm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Bình luận 0

Tuyên truyền viên chưa hiểu đề án

Lạng Sơn là tỉnh có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, việc dạy nghề cho đồng bào không chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống, mà còn hạn chế tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác tuyên truyền về Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ ở một số nơi trên địa bàn Lạng Sơn chưa được quan tâm.

Tại xã Hoàng Việt (huyện Văn Lãng), cán bộ điều tra nhu cầu học nghề, việc làm xuống các hộ hầu như không tư vấn gì về nghề cho bà con mà chỉ đơn giản là ghi danh sách những người muốn học nghề. Bản thân cán bộ này cũng không hiểu Quyết định 1956, không biết địa phương đang thiếu lao động ngành gì...

Anh Sầm Văn Tùng, một người chạy xe ôm ở xã Hoàng Việt nói: "Cán bộ chỉ hỏi chúng tôi là có đi học nghề không? Chúng tôi tưởng là học nghề như bình thường nên không học vì hầu như ai cũng tham ra ít nhất một lớp dạy nghề. Nếu biết được hỗ trợ học phí, lại được đảm bảo đầu ra thì kiểu gì tôi cũng xin đăng ký đầu tiên".

Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Sài - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Lãng cho biết: "Trước khi tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề cho nông dân chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho các tuyên truyền viên, cán bộ phụ trách Quyết định 1956. Tuy nhiên, người đại diện cho xã Hoàng Việt đi tập huấn sau đó chuyển công tác và một cán bộ văn hóa từ nơi khác về được giao khảo sát nhu cầu học nghề. Do không được tập huấn nên cán bộ này không hiểu hết nội dung và lộ trình thực hiện đề án, dẫn đến tuyên truyền chưa đầy đủ".

Để có kết quả khảo sát chính xác, đồng thời đảm bảo tiến độ triển khai Quyết định 1956, ông Lê Quang Hồng - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn) nói: "Trước mắt, chúng tôi vẫn tổng hợp những kết quả khảo sát của các huyện khác để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Còn với xã Hoàng Việt và huyện Văn Lãng, chúng tôi sẽ tổ chức điều tra, khảo sát lại...".

Khó tìm được đầu ra

Việc khảo sát đã "nhập nhoạng", quá trình tạo việc làm sau đào tạo cũng đang là một thách thức đối với tỉnh Lạng Sơn. Theo mục tiêu của Quyết định 1956, tối thiểu 80% số người sau khi được đào tạo nghề có việc làm. "Đem mục tiêu này áp dụng ở Lạng Sơn, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp thì chúng tôi khó có thể đáp ứng được yêu cầu" - ông Lê Quang Hồng chia sẻ thẳng thắn.

Lý do là vì trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có khoảng 4-5 doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng không đa dạng về số nghề tuyển dụng. Từ trước đến nay các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu đào tạo các nghề phục vụ cho công việc hiện tại của người nông dân. "Nay theo Quyết định 1956, ngoài việc tổ chức các lớp nông nghiệp còn phải tổ chức các lớp phi nông nghiệp như cơ khí, công nghệ ô tô, điện công nghiệp… thì chúng tôi khó có thể đảm bảo yêu cầu 80% lao động sau đào tạo có việc làm vì số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất ít"- ông Hồng nói.

Lý giải của ông Hồng cho thấy tình trạng hết sức bị động trong dạy nghề, giải quyết việc làm ở các tỉnh miền núi. Theo tinh thần của Quyết định 1956, việc dạy nghề phải gắn với thực tế nhu cầu lao động trong tiến trình phát triển kinh tế ở địa phương. Nhiều khi dạy nghề phải đón đầu trước để chủ động nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế. Nếu cứ nhất nhất phải dạy đúng tỷ lệ nào đó ND học nghề phi nông nghiệp, và nghề ấy không phù hợp với Lạng Sơn... thì đúng là tỉnh tự làm khó mình trong cả khâu dạy và học nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem