Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, phía Đông Bắc Tổ quốc, địa bàn rộng, dân số toàn tỉnh là 789.600 người. Trong đó, tỉ lệ người dân tộc thiểu số đông, chiếm 83,16% dân số toàn tỉnh, có 07 dân tộc chủ yếu là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông.
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao đời sống, tỉnh Lạng Sơn đã xác định Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; chương trình MTQG xây dựng NTM là những nhiệm vụ trọng tâm .
Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ hộ nghèo tín dụng ưu đãi…
Cán bộ các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn cùng nhân dân làm đường nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đáp ứng nhu cầu của người dân. Với những giải pháp, chính sách cụ thể được triển khai đã tạo đà để các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định hơn, nhiều hộ từ đó được thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,02% (năm 2021) xuống còn 8,92% (năm 2022).
Nhờ xác định đúng hướng, tổng sản lượng lương thực tỉnh Lạng Sơn năm 2022 đã đạt 305,6 nghìn tấn, tương đương 101,9% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 12 sản phẩm OCOP, trong đó: 04 sản phẩm 04 sao, 08 sản phẩm 03 sao. Qua đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Không dừng lại ở đó, hàng năm, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng.
Đến hết năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã có 85/181 xã về đích nông thôn mới (NTM), phấn đấu đến hết năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân 1 xã đạt 12,92 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập người dân tăng 2,98 lần so với năm 2011; mức độ hưởng thụ về văn hóa, y tế, giáo dục của người dân cũng được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hàng nghìn người đồng bào DTTS từ 6-60 tuổi sống trong cộng đồng chưa biết chữ, thu nhập của đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, song song với công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn cũng đã coi xóa mù chữ là một nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS có cơ hội hòa nhập và tiếp cận bình đẳng với tri thức góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cụ thể, ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.
Một trong những giải pháp quan trọng, then chốt, tạo nền tảng vững chắc để công tác xóa mù chữ triển khai đạt hiệu quả bền vững, lâu dài chính là việc nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác xóa mù chữ.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 500 cán bộ, giáo viên về thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 và Tổ chức các Hội thi tuyên truyền viên xóa mù chữ giỏi nhờ đó đã cải thiện rất lớn tới sự phát triển đời sống kinh tế xã hội vùng DTTS.
Đồng bào dân tộc Dao tham gia lớp học xóa mù chữ.
Ông Lý Văn Hoan năm nay 60 tuổi (xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định) lần đầu tiên viết được tên mình vui mừng chia sẻ: "Trước kia mình tự ti lắm, chỉ dám sống trong làng, trong bản chứ không dám đi đâu hết, rồi có việc lên xã làm giấy tờ cũng không dám đi vì mình không biết chữ. Nhưng từ khi được các thầy cô giáo ở trường Đoàn Kết vận động, gia đình động viên, mình cũng đã theo học lớp xóa mù chữ. Giờ mình đã biết đọc, biết viết rồi.
"Thích nhất là từ khi biết chữ mọi thông tin về tài liệu hướng dẫn canh tác trồng ngô, cây thạch đen, chăn nuôi của cán bộ khuyến nông phát tôi đều đọc và hiểu được, từ đó biết cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng kỹ thuật", ông Hoan vui vẻ cho hay.
Tham gia lớp xóa mù chữ ở huyện biên giới Đình Lập (xã Bính Xá, huyện Đình Lập) còn có 3 bố con ông Nông Văn Hoà (59 tuổi); con trai cả Nông Văn Kỳ (38 tuổi), con trai thứ 2 Nông Văn Kim (35 tuổi). Ông Hoà chia sẻ: "Từ khi biết chữ, mọi tài liệu về chủ trương bảo vệ đường biên mốc giới đều được bố con tôi tìm hiểu kỹ càng, nắm bắt được các phương pháp làm ăn, sản xuất. Đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển từng bước thoát nghèo và tiến lên làm giàu".
Chia sẻ về công tác xóa mù chữ, bà Phạm Kim Ngân - Cán bộ phụ trách xóa màu chữ thuộc Phòng Giáo dục thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Giáo dục đã thu hút được 1253 học viên tới các lớp xóa mù chữ.Nhìn chung, các học viên rất phấn khởi và đều nỗ lực học tập. Vì với họ biết đọc, biết viết đã mở thêm cho họ một cánh cửa của cuộc đời, khiến họ tự tin hơn trong cuộc sống cũng như thực hiện tốt hơn mọi chính sách của Đảng và Nhà nước hướng tới người dân.
Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã và đang mở ra tương lai tươi sáng hơn cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Lạng Sơn từng bước nâng cao dân trí toàn tỉnh, góp phần thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn dự kiến mở 26 lớp học xóa mù chữ cho đồng bào vùng DTTS với gần 700 học viên tham gia, đồng thời huy động sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, nguồn lực để xóa mù chữ cho người dân. Phấn đấu duy trì 197/200 xã; 11/11 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.