Việt Nam phấn đấu đạt 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2025

N.Q Thứ sáu, ngày 22/09/2023 09:05 AM (GMT+7)
Chương trình hành động Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Ủy ban Dân tộc đặt mục tiêu có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận 0

Đây là một trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình hành động Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) 5 năm 2021 - 2025 của Ủy ban Dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo ASXH; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân…

Việt Nam phấn đấu đạt 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT vào năm 2025 - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Mê (Hà Giang) khám chữa bệnh tại cơ sở Y tế.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6/2023, có 90,89 triệu người tham gia BHYT, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % dân số. Trước đó, thống kê của BHXH Việt Nam số người tham gia BHYT từ năm 2017 đến năm 2020 hằng năm đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân tăng khoảng 3% một năm.

Tuy nhiên, từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN đã làm sụt giảm số người tham gia BHYT.

Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người, trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người, trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người tham gia, trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sơn La giảm 180 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số…

Ông Trần Thành Tuấn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết: là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đều được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã giao cho các sở, ngành chức năng tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chế độ cho người dân tộc thiểu số. Trong đó, việc cấp thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn luôn được quan tâm, hàng năm bố trí ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định.

Tuy nhiên, hiện số người tham gia BHYT tại một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT giảm, nguyên nhân là do Quyết định 86/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số không tiếp tục tham gia đóng BHYT (trước đây được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT), do thoát khỏi huyện nghèo, người đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn khu vực II, khu vực III giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam phấn đấu đạt 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT vào năm 2025 - Ảnh 2.

Cán bộ Y, bác sĩ cấp phát thuốc cho người dân.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo ASXH, Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 5 năm 2021- 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố...

Chương trình cũng nhấn mạnh vào yếu tố con người, đạt mục tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; 98% đồng bào DTTS tham gia BHYT; trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.

Theo Ủy ban Dân tộc việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm 10 dự án, trong đó có dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn...

Cũng theo ông Lâm Thanh Thiên, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng, để tạo thuận lợi nhất cho đồng bào DTTS tiếp cận chính sách BHYT tốt nhất, hàng năm Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 139 cơ sở y tế trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến và được thanh toán chi phí theo chế độ cho người tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo đúng quy định.

Do vậy, để hoàn thành mục tiêu 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT vào năm 2025, tiến tới BHYT toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, "vào cuộc" của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem