Những bước phát triển rõ rệt
Đến với huyện nghèo Bắc Mê (Hà Giang) hôm nay, nhiều ngôi nhà tạm, không an toàn của đồng bào DTTS nơi đây đã được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố, sạch đẹp.
Chia sẻ về miền vui được ở trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, anh Triệu Văn Thiện (thôn Ngọc Trì, xã Minh Sơn) cho hay: Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới khang trang, tôi rất vui và xúc động. Tôi không dám nghĩ là mình sẽ có được ngôi nhà như này".
Gia đình ông Triệu Văn Thiện là một trong những hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Bắc Mê đã nhận được 40 triệu đồng để làm nhà mới. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.
Theo báo cáo của UBND xã Minh Sơn, trong 8 tháng năm 2023 xã đã triển khai chương trình xóa nhà tạm cho các hộ nghèo đồng bào DTTS. Đến nay, đã có 6 hộ gia đình được nhận nguồn kinh phí 20 triệu đồng/hộ để sửa chữa lại nhà và 15 hộ được hỗ trợ làm nhà mới với mức kinh phí 40 triệu đồng/hộ.
Ngôi nhà mới của anh Triệu Văn Thiện (thôn Ngọc Trì, xã Minh Sơn, Bắc Mê, Hà giang) được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030
Đây là lần đầu tiên có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì khi thực hiện chương trình vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành, nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Một số giải pháp
Để nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào vùng DTTS cần có những giải pháp trọng tâm đó là: Cần có quyết tâm cao hơn nữa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới".
Đồng thời, thực hiện tốt các nghị quyết, các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng kiên cố, nhằm bảo đảm đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Phát triển hạ tầng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai như lũ ống, lũ quét, khô hạn…
Đồng thời, cần tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, năng lượng nhằm bảo đảm có 99% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Đẩy mạnh dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm bảo đảm đến năm 2030, đạt 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Anh Cam Thanh Luyến ở Tổ 5, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình (Hà Giang) cho biết: Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ,gia đình anh đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát ngèo.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi; Nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; Đầu tư, phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú và các trường dự bị đại học…và nâng cao tỷ lệ và chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào, đẩy mạnh chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em nhằm nâng cao về thể chất, tầm vóc của thanh, thiếu niên người đồng bào DTTS.
Kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào các DTTS. Củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS. Đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người DTTS trong thời kỳ mới theo quy định. Đồng thời, có chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người DTTS…
Với hệ thống chính sách toàn diện của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc đã và đang làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.