Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, có đáng lo?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 10/11/2022 15:46 PM (GMT+7)
Thị trường liên tục giảm điểm sâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản liên tục nằm sàn. Theo lý giải của các chuyên gia, không chỉ là do nhà đầu tư nhỏ lẻ bán tháo, thị trường còn bị áp lực khi lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng bán giải chấp cổ phiếu…
Bình luận 0
Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, có đáng lo? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán hôm nay (10/11) "rực lửa", có thời điểm giảm tới gần 50 điểm... Nguồn: Vietstock

Lãnh đạo doanh nghiệp liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu

Theo thông tin công bố mới đây, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) bị công ty chứng khoán bán giải chấp 3.818.000 cổ phiếu LDG. Giao dịch được thực hiện trong phiên 8/11 theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu nắm giữ của ông Hưng chỉ còn 22.595.982 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 11% xuống còn 9,41%.

Không chỉ riêng LDG, nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung đang trải qua giai đoạn giảm mạnh, khiến nhiều lãnh đạo và cổ đông lớn liên tục bị các công ty chứng khoán "call margin" như DIG, PDR, NVL…

Chẳng hạn, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) mới đây cũng thông báo dự kiến từ 8/11, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), sẽ bị bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu PDR.

Trước đó công ty chứng khoán này cũng đã bán giải chấp cổ phiếu của ông Đạt 2 lần, một lần là 750.000 cổ phiếu PDR và 1 lần là 1,9 triệu cổ phiếu PDR.

Như vậy, tổng cộng số cổ phiếu PDR của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt lên tới 4,45 triệu đơn vị.

Tuần trước, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết dự kiến sẽ bán giải chấp hơn 2,1 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG).

Bên cạnh đó, cả hai người con của ông Tuấn là ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng bị bán giải chấp tổng cộng hơn 2,9 triệu cổ phiếu DIG. Cả ông Cường và bà Huyền đều giữ chức phó Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp do cha làm chủ tịch.

Đây cũng không phải là lần đầu ông Tuấn bị bán giải chấp cổ phiếu, trước đây hơn một tuần, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho biết sẽ bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn. Chưa kể vào cuối tháng 10, ông Tuấn và con trai cũng đã bị bán giải chấp hơn 4,4 triệu cổ phiếu DIG.

Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, có đáng lo? - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại SSI... Ảnh: SSI

Nhiều lãnh đạo khác của các DN ngành xây dựng, bất động sản cũng bị bán giải chấp cổ phiếu, chẳng hạn như: Ông Đinh Văn Thanh, phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC; hay ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (mã HDC), bị bán giải chấp 73.000 cổ phiếu HDC…

Chưa dừng lại, nhiều công ty chứng khoán mới đây đã thông báo hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ của hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản.

Các thông tin trên khiến thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm "sốc". Trong phiên giao dịch hôm nay (10/11), có thời điểm chỉ số VN-Index "bốc hơi" tới gần 50 điểm, rớt khỏi ngưỡng 940 điểm.

Hiện tượng sếp DN bị bán giải chấp cổ phiếu, có đáng lo?

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, đầu tiên khởi xướng là do giá cổ phiếu giảm xuống đồng loạt theo thị trường, rồi một số thông tin nhập nhằng như kiểu DN bất động sản đang gặp khó khăn, tới hạn thanh toán trái phiếu, thiếu room tín dụng, không phát triển được dự án… khi đó các nhà đầu tư đã ồ ạt bán cổ phiếu bất động sản, và khi bán ra nhiều dẫn đến giá cổ phiếu BĐS giảm sâu.

"Với những mã cổ phiếu giảm sâu, có những vị lãnh đạo đang vay margin từ các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng và rơi vào tình trạng call margin.

Cũng có thể do các vị lãnh đạo này trước nay chỉ thế chấp cổ phiếu ở đó thôi, nhưng do giá giảm sâu và nhanh dẫn đến họ bị yêu cầu phải nạp tiền và bản thân họ có thể là do không lường trước những khoản tiền cho vấn đề này, nên khi giá cổ phiếu giảm nhanh nên họ không kịp thu xếp tiền để nộp nên phải rơi vào tình trạng bán giải chấp", ông Phương phân tích.

Việc các lãnh đạo, chủ DN bị bán giải pháp cổ phiếu có tác động mạnh đến thị trường hay không?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, về lý thuyết thì việc này trước tiên có ảnh hưởng, vì tâm lý nhà đầu tư cứ nghe cổ phiếu này, cổ phiếu kia, DN lớn, DN có thương hiệu… mà Chủ tịch HĐQT, giám đốc hay lãnh đạo nào đó bị bán giải chấp, dẫn đến lo lắng, hoang mang, liệu có vấn đề gì xảy ra tiếp theo hay không?

"Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường cũng được công bố thông tin một cách rõ ràng, chỉ là bị bán giải chấp mà thôi. Hơn nữa, cách đây 2 hôm Chính phủ và Bộ Xây dựng đã làm việc với HoREA và các DN bất động sản để lắng nghe khó khăn và tìm cách tháo gỡ. Rồi hôm qua tới các công ty chứng khoán cũng họp với các đơn vị quản lý, nội dung cũng là nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường chứng khoán, cho các DN đang niêm yết trên thị trường.

Vì vậy, tôi nghĩ các cơ quan quản lý sẽ xúc tiến nhanh để xử lý, can thiệp giải quyết các vướng mắc này, nên tâm lý nhà đầu tư cũng bớt hoang mang, lo lắng nhiều. Vì vậy, với những mã cổ phiếu BĐS vẫn tiếp tục giảm sàn thì là do các công ty chứng khoán bán giải chấp ra thị trường chứ không phải do nhà đầu tư tiếp tục bán tháo", ông Phương đúc kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem