Lãnh đạo Hà Nội nêu cách "vượt" trở ngại để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2021
Lãnh đạo Hà Nội nêu cách "vượt khó" để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2021
Đức Minh
Thứ năm, ngày 24/06/2021 18:44 PM (GMT+7)
"Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt 7,5%, nhiệm vụ quý III phải tăng trên 8,5%, quý IV phả tăng trên 9,1%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh"- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nói.
Ngày 24/6, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban thường kỳ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021. Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thời gian qua UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế", phấn đấu tăng trưởng cao nhất, tạo đà tăng trưởng cho các tháng cuối năm.
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán Thành phố giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Anh Tuấn, đánh giá, mặc dù tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng. Trong Quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GRDP ước tăng 5,91% - cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%) nhưng thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (7,21%).
Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 1,9% so với tháng 5 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 3,3%).
Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 289.652 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197.535 tỷ đồng, tăng 9,5%.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD (trong đó 171 dự án mới - số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư - số vốn 447,7 triệu USD; 250 lượt góp vốn, mua cổ phần - số vốn 120,5 triệu USD).
Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng, gồm: 10 dự án mới với số vốn 1.470 tỷ đồng, 38 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn tăng 5.635 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Thực hiện thủ tục giải thể cho 1.582 doanh nghiệp (tăng 33% so với cùng kỳ), 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 15% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687 doanh nghiệp (tăng 74% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 315.248 doanh nghiệp.
Bên cạnh việc ổn định và giữ đà tăng trưởng kinh tế, Hà Nội cũng đã làm tốt công tác phòng chống dịch. Dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn Thành phố đúng vào dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5. Ngay sau khi có thông báo ca mắc mới ngoài cộng đồng, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố kích hoạt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Từ tháng 4 năm 2021 đến nay, Thành phố đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo xử lý các ổ dịch nóng liên quan đến Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và một số chùm ca bệnh mới từ chuyên gia Ấn độ, Time City, Công ty T&T...
Thành phố cũng đã có chủ trương đẩy mạnh tiêm vacine ngừa Covid-19 cho nhân dân Thủ đô để đảm bảo hiệu quả chống dịch cao nhất. Đến nay đã tiếp nhận, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2021; xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid 19 cho người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022.
Triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế
Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất (sắt, thép, dầu mỏ) có xu hướng tăng là những lực cản cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt 7,5%, nhiệm vụ quý III phải tăng trên 8,5%, quý IV phả tăng trên 9,1%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Vì thế, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được Thành phố đề cao và yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Triển khai tiêm chủng vacine phòng bệnh Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá, TP đã thực hiện nghiêm công tác chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế; tuy dịch bệnh phức tạp nhưng Thành phố không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tình hình sản xuất, kinh doanh có khởi sắc nhưng tăng trưởng chưa bứt phá.
Do đó, về phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công, ông Sơn đề nghị các đơn vị phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2021. Đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo..., tập trung quản lý điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán Thành phố giao, tập trung ngân sách cho lĩnh vực thiết yếu...
"Theo đề xuất của Kho bạc NN Thành phố, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang thấp, vì vậy đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đề nghị 6 tổ công tác họp với chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc kịp thời. Theo mục tiêu đặt ra Thành phố trong quý 3 phải giải ngân đầu tư được 60% và cả năm đạt 100%" - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch TP cũng cho rằng, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Hà Nội đến các tỉnh thành phố; khởi công các cụm công nghiệp theo đúng tiến độ.
"Năm 2021 là năm bắt đầu nhiệm kỳ mới, việc rà soát, hoàn thiện thể chế cần thực hiện, vì vậy đề nghị Sở Tư pháp rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bổ sung ban hành văn bản mới. Căn cứ yêu cầu thực tiễn đề xuất chương trình xây dựng văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý phát triển một cách bền vững; đôn đốc theo dõi việc tổ chức thực thi pháp luật trên địa bàn" - Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.