Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Từ năm 1975 đến nay có xây dựng mới tuyến đường sắt xuống cảng Cửa Lò nhưng đã dừng hoạt động; tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thì đang bị đình hoãn, còn lại không có tuyến đường sắt mới nào được đầu tư trọn vẹn. Trong khi đó, đường nhánh kết nối với cảng biển nhiều nơi bị dỡ bỏ, kết nối kém”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lên hỏi thăm hành khách về chất lượng dịch vụ trên tàu. Ảnh: V.H
Theo ông Đông, vốn duy tu đường sắt hàng năm dao động khoảng từ 1.700 – 2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. “Mức đầu tư như vậy chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng vốn đầu tư cho GTVT, đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn trung hạn cho các dự án tháo nút thắt về hạ tầng đường sắt, dự án về hành lang, đường gom an toàn đường sắt, ưu đãi cho đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt” – ông Đông đưa ra kiến nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định: “Vấn đề rất quan trọng là vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt. Nhưng nguồn lực đầu tư cho đầu tư phát triển đường sắt hạn chế trong khi xã hội hóa đường sắt rất khó khăn, rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đây là nguyên nhân chính cản trở phát triển đường sắt, hiện đại hóa đường sắt”. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện đường sắt Việt Nam đang đứng trước thách thức rất to lớn. Đó là hạ tầng rất lạc hậu, thị phần thấp; mạng lưới đường sắt chưa kết nối được với các khu kinh tế mới, khu công nghiệp, nhất là các cảng biển nên chưa tăng được sản lượng.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành đường sắt có thứ tự ưu tiên các dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam để từng bước đạt mục tiêu tốc độ tàu hành khách đạt 90km/giờ. Trong đó, từng bước đầu tư khắc phục nút thắt về hạ tầng; đầu tư, cải tạo, nâng cấp các nhà ga; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức đường sắt- đường bộ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.