Lào Cai: Nhà đầu tư lo ngại hệ số an toàn của Nhà máy thủy điện Tà Thàng bị phá vỡ

Hà Anh Thứ ba, ngày 19/03/2019 21:04 PM (GMT+7)
Theo phản ánh của chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Tà Thàng (Bảo Thắng, Lào Cai), khi thỏa thuận không được, UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý cho các cơ quan theo thẩm quyền tiến hành cưỡng chế…. gây nguy cơ mất an toàn hồ chứa nước.
Bình luận 0

Phản ánh tới Dân Việt, Công ty CP Điện Vietracimex Lào Cai làm chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Tà Thàng cho biết, khi thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 152 (nối huyện Bảo Thắng và Sa Pa), đơn vị tư vấn, chủ đầu tư đã chưa tính toán hết hệ số an toàn của Nhà máy thủy điện Tà Thàng. Khi thi công đến đoạn Nhà máy thì bị vướng bởi nguy cơ mất an toàn hồ chứa nước.

Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 152 có tổng chiều dài 50 km, thi công từ cuối năm 2012 và đến năm 2016 đã hoàn thành 49,6km. Trong quá trình thi công do đoạn đường có 400m đi qua vai phải đập và cửa hầm nhận nước Nhà máy thủy điện Tà Thàng nên từ tháng 6.2014, đơn vị thi công đã phải thi công cách đoạn do chưa đàm phán được với Công ty CP Điện Vietracimex Lào Cai. 

img

Dù chưa có sự thống nhất đảm bảo an toàn cho đập nước thuỷ điện Tà Thàng, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức cưỡng chế. 

Cũng theo Công ty CP Điện Vietracimex Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai thông tin, trước sự vướng mắc này, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã mời Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) nghiên cứu thêm 2 phương án tuyến.

Theo đó, phương án thứ nhất là làm hầm (cách phạm vi đập 50m, tổng chiều dài đoạn tuyến là 683m; trong đó, phần hầm chính dài 250m, kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng); Phương án thứ 2 là làm cầu cạn (cách phạm vi hầm 51m, tổng chiều dài đoạn tuyến là 1.228m; trong đó, chiều dài cầu chính là 813m, tổng mức đầu tư là 350 tỷ đồng).

Hai phương án này cơ bản đảm bảo an toàn cho đập, tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi mật độ giao thông chưa cao và nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên việc triển khai không khả thi.

Do vậy, giải pháp được tỉnh Lào Cai đưa ra là không đào mở rộng nền đường cũ, mà chỉ sửa tạo phẳng sau đó đổ bê tông xi măng để đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện an toàn. Phương án này không dùng lu rung, không đào phá đã nổ mìn mà chỉ sửa chữa mặt đường. Riêng đoạn qua đường ống đổ bê tông cốt thép để không ảnh hướng đến ống áp lực.

Tuy nhiên, tuân thủ ý kiến của Bộ Công thương, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và lo ngại đến sự an toàn của đập cũng như đường ống áp lực đặt dưới nền đường nên Công ty CP điện Vietracimex Lào Cai đã không đồng thuận với phương án mới mà tỉnh Lào Cai đưa ra.

Trong khi chưa có giải pháp nào hữu hiệu, đến ngày 13.3.2019 các cơ quan được giao quyền đã tiến hành cưỡng chế, thi công bất chấp sự phản đối của Công ty CP Điện Vietracimex Lào Cai.

“Mặc dù việc đảm bảo an toàn đập đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nghiêm ngặt tại Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai vẫn ngang nhiên, cố tình cưỡng chế thi công bằng mọi giá. Điều này gây nguy cơ vỡ đập, sập hầm; phá hủy nhà cửa, tài sản của người dân, đe dọa trực tiếp tính mạng của nhân dân dưới hạ du”, đại diện Công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai nói.

Trước đó, ngày 22.7.2014, UBND tỉnh Lào Cai đã có Quyết định số 2034/QĐ-UBND phê duyệt phương án bảo vệ đập nhà máy thủy điện Tà Thàng, trong đó quy định: phạm vi không được xâm phạm là 50m sát chân đập.

Tại văn bản số 12913/BCT-ANMT ngày 24.12.2014 gửi UBND tỉnh Lào Cai, Bộ Công thương cũng đã nhấn mạnh: “Phương án xây dựng tuyến đường giao thông Bản Dền – Thành Phú có đoạn từ lý trình Km 18+700 đến Km 19+250 đi qua phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập công trình thủy điện Tà Thàng (qua vai bờ phải đập và cửa hầm thu nước vào đường ống áp lực) có tim tuyến đường thiết kế cách mép hầm thu nước vào đường ống áp lực 18,8m, nằm trong phạm vi không được xâm phạm của Công trình thủy điện Tà Thàng.

Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đập, Bộ Công thương đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét điều chỉnh phương án thiết kế đoàn đường nói trên, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định trong pháp lệnh khác và bảo vệ công trình thủy lợi”.

Theo Điều 40 Luật Thủy lợi 2017, quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã nêu rõ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.

Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau: Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem