Bài 1: Chuyện dài ở Phong Hải
Gia đình ông Phạm Xuân Lương, ở tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Phong Hải có 5 nhân khẩu, nguồn sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông. Từ mấy chục năm qua, gia đình ông cấy 2,3 sào lúa với sản lượng vụ chiêm được 4 tạ thóc, vụ mùa nếu thời tiết thuận lợi thu hoạch khoảng 3 tạ. Vụ nào ông Lương cũng phải nộp sản cho Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai (tiền thân là Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải) từ 30 đến 50 kg thóc/sào, vụ mùa năng suất thấp hơn nhưng lại phải nộp sản cao hơn vụ chiêm.
Ông Lương tính nhẩm chi phí cơ bản cho mỗi vụ lúa gồm: 570 nghìn đồng tiền thuê máy làm đất (tương đương với 1 tạ thóc); 500 nghìn đồng tiền công, cấy, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, gặt, tuốt (80 kg thóc), chi phí còn lại như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 600 nghìn đồng (1 tạ thóc), thêm khoản nộp sản (cách nói cũ của bà con, thời kỳ phát triển kinh tế tập thể, xã viên nộp sản phẩm cho các hợp tác xã, gọi tắt là nộp sản - PV) khiến gia đình ông chẳng còn lời lãi bao nhiêu sau 3 tháng trời trông ngóng, thậm chí hạch toán chi ly còn lỗ.
Trưởng thôn Phạm Xuân Báu xót xa với những “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang.
Cấy 1,7 sào lúa, mức nộp cho doanh nghiệp là 40 kg thóc/sào, bà Đỗ Thị Duyên, cùng trú tại tổ dân phố số 5 bức xúc: Nhà nước bỏ khoản thuế nông nghiệp từ lâu rồi, trong khi chúng tôi vẫn phải nộp sản cho công ty. Tính ra người cấy lúa như chúng tôi khi thu hoạch cũng như mua thóc của chính mình, chỉ có điều giá mua rẻ hơn thị trường mà thôi!
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa của thôn, ông Phạm Xuân Báu, tổ trưởng dân phố số 5 chỉ những khoảnh “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang mà ngậm ngùi, đau xót. Mang tiếng là tổ dân phố nhưng thuần nông, tổ có 340 hộ mà chỉ có 10,5 ha đất trồng lúa, ruộng ít nhưng lại để hoang hóa vì thua lỗ. Vụ vừa qua, bà con bỏ hoang 2 ha ruộng, vụ mùa này tổ dân phố chưa thống kê, nhưng diện tích ruộng để cỏ mọc chắc chắn tiếp tục tăng.
Ông Báu cho biết, có 17 hộ đồng bào Mông ở một huyện vùng cao trong tỉnh sau khi di cư tự do vào Tây Nguyên, lúc hồi hương không về nơi ở cũ mà tới đây định cư. Họ không có đất sản xuất nên mượn ruộng của các hộ trong thôn để cấy và thay các hộ nộp sản cho Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai. Nhưng vì mức sản cao nên 17 hộ này chỉ cấy phần ruộng đủ cung cấp lương thực cho gia đình, nên số đất bị bỏ hoang vẫn còn lớn là như vậy. Ông Báu nói: “Thị trấn thúc giục tổ dân phố không để đất ruộng hoang để đảm bảo an ninh lương thực, không để tài nguyên đất bị lãng phí, nhưng chúng tôi nói người dân không nghe. Có người còn nói rằng mình đã còng lưng nuôi doanh nghiệp mấy chục năm là quá đủ rồi”.
Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai hiện nay không chỉ hưởng đặc lợi từ đất ruộng mà còn các ao nuôi cá. Ông Phạm Văn Toàn, 62 tuổi, nuôi cá trong một ao rộng khoảng 2 ha, năm 2018 ông phải nộp cho Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai 18 triệu đồng.
Ông Toàn cho biết, vợ chồng ông nuôi cá hàng chục năm qua, đến nay cao tuổi không xoay sở được việc gì để sống nên vẫn thả cá dù có nhiều rủi ro. Có năm người ta thù ghét bỏ chai thuốc sâu ở đầu nguồn nước, năm thì cá mắc bệnh chết trắng mặt ao, thua lỗ chỏng chơ, cộng với áp lực nộp sản khiến vợ chồng ông có lúc thấy bế tắc, muốn buông xuôi. Hai con trai của ông thấy thế mà quyết từ bỏ nghiệp nuôi cá, một người theo nghề lái xe tải đi biền biệt quanh năm, một anh đi lao động tự do ở Trung Quốc có khi cả năm không về nhà lần nào.
Ngoài các tổ dân phố số 1, 2, 3, 4, 5, thì thôn Vi Mã, thị trấn Nông trường Phong Hải cũng nằm trong diện “phủ sóng” đất ruộng, ao của Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai. Ông Hoàng Văn Thành, 62 tuổi, Trưởng thôn Vi Mã từng có 12 năm công tác tại Nông trường Phong Hải (Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai ngày nay), khi đơn vị giảm biên chế, ông được giao 5 sào ruộng và nộp sản trong hàng chục năm qua. Trồng lúa thiếu hiệu quả kinh tế, ông chuyển sang đào ao thả cá, doanh nghiệp chiếu cố tính cho gia đình phần sản như đất ruộng lúa với định mức 2,5 tạ thóc mỗi vụ.
Ông Thành cho biết, thôn Vi Mã có 142 hộ, khoảng 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Vậy nhưng thôn Vi Mã vẫn có 3 ha đất ruộng lúa và phần lớn ao nuôi cá thuộc diện phải nộp sản cho Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai.
Tại xóm Lô 7, thôn Vi Mã, ông Hoàng Văn Thành dẫn chúng tôi tới gặp gia đình anh Thào A Thèn, người được cho là khá giả nhất xóm nhưng đang ở trong ngôi nhà tạm đã xuống cấp. Hiện nay, 7 sào ao và ruộng lúa của anh Thèn đều thuộc sở hữu của doanh nghiệp và gia đình có trách nhiệm nộp sản mỗi vụ sản xuất. “Ngay cả đất anh Thèn đang ở, đất vườn cũng của doanh nghiệp, các hộ này mấy đời ở đây không có gì trong tay hết”, ông Thành cho biết.
Xóm Lô 7 có 7 hộ là đồng bào Nùng, tất cả các hộ chưa bao giờ thoát nghèo.
Người nông dân tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Phong Hải “còng lưng” lao động để dành một phần hoa lợi nuôi doanh nghiệp.
Cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ gần 5,4 tỷ đồng, trong đó có 14,6% cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, cổ đông chiến lược mua 75% cổ phần và đổi tên là Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai. Ngoài phần đất chuyên dụng, doanh nghiệp này được giữ lại 52 ha đất ruộng và ao (trong đó 24,6 ha ruộng và 27,4 ha ao) kèm theo đặc lợi là nguồn thu địa tô với mức 400 đến 600 triệu đồng/năm. Điều này lý giải vì sao Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải (trước đây) làm ăn thua lỗ liên miên (năm 2016 lỗ 4,415 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 1,428 tỷ đồng), nhưng bộ máy doanh nghiệp vẫn được nuôi dưỡng và hoạt động bình thường.
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết, thị trấn tổ chức cho người dân sản xuất, chỉ đạo mùa vụ, phòng bệnh, xây dựng hạ tầng thủy lợi, đường nội đồng… trong khi đất đai lại thuộc về doanh nghiệp, đáo lợi thu tô cũng là doanh nghiệp. Cử tri thị trấn Nông trường Phong Hải cũng đã có nhiều năm, nhiều lần kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, các đoàn Đại biểu Quốc hội rằng người dân cần ruộng, cần ao trong khi doanh nghiệp không có nhu cầu sản xuất, nuôi cá, nhưng vẫn không được đáp ứng.
Giờ đây, Công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai chỉ thuần túy là cơ sở thu mua và chế biến chè búp tươi nhưng không hiểu sao đơn vị này vẫn được ưu ái cho giữ lại phần đất ruộng và ao khi thực hiện phương án cổ phần hóa? Phải chăng địa tô chính là “miếng mồi béo bở” hay “tấm vé bảo hành” để nhà đầu tư chiến lược quyết mua tới 3/4 cổ phần của doanh nghiệp vốn làm ăn thua lỗ triền miên?
Cao Cường (Báo Lào Cai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.