Lao động cần thận trọng khi đi làm việc ở châu Âu

Nguyệt Tạ (thực hiện) Thứ tư, ngày 06/11/2019 06:10 AM (GMT+7)
Để có thông tin cụ thể về việc đi XKLĐ ở châu Âu, tránh tình trạng lao động đi làm việc chui, để lại hậu quả đáng tiếc như vụ 39 lao động tử nạn trên xe container tại Anh thời gian qua, PV Báo NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).
Bình luận 0

Để có thông tin cụ thể về việc đi XKLĐ ở châu Âu, tránh tình trạng lao động đi làm việc chui, để lại hậu quả đáng tiếc như vụ 39 lao động tử nạn trên xe container tại Anh thời gian qua, PV Báo NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).Thưa ông, hiện Việt Nam có thỏa thuận hợp tác về XKLĐ đưa lao động đi châu Âu làm việc không?

-  Hiện nay châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu là nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường lao động khá khó tính, đòi hỏi khắt khe, chặt chẽ về trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ và cả thủ tục nhập cảnh…

Tình hình kinh tế phát triển ổn định những năm gần đây khiến một số nước khu vực châu Âu thiếu nhân lực trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam và các quốc gia châu Âu trong đó có Anh chưa có thỏa thuận nào về hợp tác lao động. Muốn đi làm việc tại các nước trong khối này, các lao động chỉ có thể đi qua hai hình thức là: Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và hình thức hợp đồng cá nhân.

img

Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại nước ngoài.  (ảnh: internet)

Vậy lao động đi qua doanh nghiệp và đi theo hợp đồng cá nhân như thế nào thưa ông?

- Hiện nay Việt Nam có 37 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở 10 nước thuộc châu Âu với khoảng 4.500 người, chủ yếu ở các nước như Rumani, Ba Lan, CH Sip, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Liên bang Nga… Người lao động được tuyển làm theo nhiều nghề như: Hàn, xây dựng, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, may mặc, nông nghiệp với mức lương trung bình khoảng 700 - 1.000USD/tháng, tùy theo ngành nghề, công việc.

Về hợp đồng cá nhân, người lao động phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở LĐTBXH các địa phương và phải được Sở LĐTBXH các địa phương thẩm định và chấp thuận. Đối với hình thức này lao động sẽ tự thỏa thuận và ký hợp đồng với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, lao động muốn thực hiện thỏa thuận cần phải có trình độ kỹ thuật, khả năng ngoại ngữ, hiểu biết về kiến thức pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng một trong hai hình thức trên đều cần phải có: Hợp đồng lao động, visa và giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp, đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài.

Vậy theo ông, lý do vì sao khi chúng ta không có thỏa thuận tiếp nhận lao động, nhưng nhu cầu lao động đi làm việc trái phép sang các nước này vẫn đông?

- Đúng là dù chưa có thỏa thuận về tiếp nhận lao động, thế nhưng trên thực tế, thời gian qua vẫn có rất nhiều lao động di cư trái phép sang các nước châu Âu, trong đó có Anh. Lý do là bởi, đây là khu vực có nền kinh tế phát triển, thu nhập cao. Bản thân nhiều người lao động không có đủ các điều kiện tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ, nhưng lại muốn được đi nhanh, nhận lương cao. Chính bởi vậy, họ cả tin, tin tưởng đối tượng môi giới cò mồi, chấp nhận đầu tư một khoản tiền lớn để được đi mà không lường hết những rủi ro.

Thời gian tới Bộ LĐTBXH có dự định đàm phán, xem xét để mở rộng thị trường XKLĐ sang các nước châu Âu không, thưa ông?

- Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ. Về nguyên tắc, các nước sở tại có luật tiếp nhận lao động rất nghiêm ngặt, dựa trên tiêu chí kỹ thuật, luật pháp của họ. Còn về chính sách thì Bộ LĐTBXH vẫn luôn có chủ trương mở rộng thị trường XKLĐ tới nơi có thu nhập tốt, môi trường làm việc  an toàn cho lao động Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Cần cảnh giác với “cò mồi” 
“Để đảm bảo việc đi làm việc ở nước ngoài an toàn và hợp pháp, người lao động cần tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, quy định pháp luật liên quan. Đồng thời cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuyệt đối không được nhẹ dạ, cả tin ngheo theo lời giới thiệu của môi giới, cò mồi để vay mượn tiền đi lao động với lời hứa, công việc đơn giản, thu nhập cao. Nguy cơ bị mất tiền, mất mạng khi đi lao động chui là rất lớn”. 
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Phó Chủ tịch Hiệp Hội XKLĐ Việt Nam 


Tập trung vào thị trường truyền thống 

“Hiện nay Bộ LĐTBXH đã triển khai việc đưa lao động sang một số nước Đông Âu cũ. Tuy nhiên vì kiện tiền lương thu nhập không cao nên lao động không mặn mà. Riêng một số nước châu Âu phát triển, giàu có như: Pháp, Anh… họ không tiếp nhận lao động phổ thông vì vậy, chúng ta không đủ điều kiện để tiếp cận. 
Trong khi đó, hiện nay các thị trường trọng điểm của Việt Nam trong XKLĐ vẫn là những thị trường châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Đây là những thị trường người dân thích đi vì lương cao, thu nhập ổn định, môi trường sống có sự gần gũi. Theo tôi, thay vì tìm kiếm đường vào những thị trường khó tính, ta không đủ khả năng đáp ứng thì trước mắt nên tập trung vào những thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang có thế mạnh để cung ứng lao động.  
TS.Nguyễn Lê Minh - Nguyên Phó cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem