Lao động trẻ em: Càng ít tuổi, càng rẻ, càng thích

Thứ sáu, ngày 17/06/2011 14:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong cuộc sống hiện nay, người ta mặc nhiên thừa nhận, mặc nhiên sử dụng một nguồn lao động dồi dào: Trẻ em!
Bình luận 0

Có lẽ ai đã từng một lần đến Sa Pa (Lào Cai) đều ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo của “xứ sở sương mù” này. Với chúng tôi, ngoài ấn tượng với những vẻ đẹp tựa chốn bồng lai ấy, còn là “ấn tượng” bởi những đứa trẻ bán hàng dạo, nói tiếng Anh sõi hơn cả tiếng Kinh và đặc biệt ấn tượng với cô bé Lù Thị Xén, 10 tuổi, ở xã Lao Chải.

img
Làm việc trong môi trường rượu bia, các em rất dễ dính “tai nạn nghề nghiệp” và sa ngã vào tệ nạn xã hội.

“Bán hàng mua… rượu cho bố”

Xén nhỏ như cái kẹo mút dở, nhưng rất nhanh nhẹn. Em mặc bộ quần áo truyền thống của người Mông và có lẽ vì dầm mưa dãi nắng, nên quần áo của em cũng nhem nhuốc bùn đất, sực mùi mồ hôi. Xén hồn nhiên bảo: “Cháu mới học lớp 3 thôi. Nhà nghèo, bố không cho đi học nữa, cháu đi bán hàng để mua gạo, mua… rượu cho bố!”.

Nhà Xén cách Sa Pa hơn chục cây số, để xuống phố bán hàng, em phải dậy đi bộ từ lúc 4 – 5 giờ sáng. Hàng của Xén chỉ vài cái vòng, lắc tay, khăn thổ cẩm… nên cũng nhẹ. Theo như Xén kể lại, thì mỗi ngày em đi bộ tới 40 cây số và chỉ bán được 40.000 – 50.000 đồng. Những ngày đầu, em mệt rũ rượi, chân tay tê mỏi, nên chỉ cần đặt mình xuống là ngủ ngay.

Thông thường những đứa trẻ bán dạo ở Sa Pa thường đi với người lớn, tối đến họ thuê chung một căn phòng rồi rúc chồng lên nhau mà ngủ cho qua đêm. Cứ vài ngày hoặc một tuần, họ mới về nhà một lần, nếu gặp khách thì còn được 1-2 yến gạo, còn không chỉ vừa đủ tiền ăn, ở…

Ngỡ tưởng chỉ có trẻ em ở nông thôn là phải lao động vất vả, tìm hiểu ở một số làng nghề, quán cơm, quán bia… ở Hà Nội, chúng tôi thực sự giật mình về tình trạng sử dụng LĐTE bát nháo này.

Có mặt tại làng nghề chuyên sản xuất bánh kẹo La Phù (Hoài Đức), thực sự chóng mặt bởi tần suất làm việc của những “công nhân nhí”. Hoàng Văn Kiên, 12 tuổi, ở Bá Thước (Thanh Hoá) và Lê Xuân Phương, 14 tuổi, ở Thanh Sơn (Phú Thọ) đều có thâm niên 2 năm trong nghề, đang hì hục vác những thùng bánh, kẹo lên xe tải, chốc chốc lại thúc nhau: “Nhanh nhanh lên mày, không bà ấy (bà chủ -PV) ra lại ăn chửi bây giờ”.

Phương cho biết, em phải làm từ 10 - 12 giờ/ngày và được 700.000 đồng/tháng cùng cơm nuôi. “Làm từ 6 rưỡi đến 12 giờ mới được nghỉ ăn cơm, 13 giờ lại tiếp tục làm đến 19 giờ thì nghỉ. Hôm nào khách lấy hàng thì làm đến 21 giờ là chuyện thường” – Kiên đưa tay gạt mồ hôi thở dài. Nhìn những đứa trẻ gầy gò, lem luốc còng lưng bê những thùng hàng quần quật cả ngày, chúng tôi thực sự rùng mình…

Càng ít tuổi, càng rẻ

14 giờ, chúng tôi có mặt trên đường Đê La Thành (Hà Nội), nơi được coi là “thiên đường” của những lao động phổ thông ngoại tỉnh. Dù đã quá trưa, nhưng dưới những gốc cây ven đường, đội quân “bán sức lao động” vẫn cố túc trực. Người thì ngồi bệt xuống đất, kẻ tựa gốc cây, tay phe phẩy chiếc nón, nhưng mắt vẫn đảo như “rang lạc” xem có người nào thuê giúp việc không. Lẫn trong đội quân đó, có 6 cu cậu chừng 13 - 14 tuổi với nét mặt thẫn thờ, có lẽ vì đói!

Em lúc thì dắt xe, lúc thì chạy bàn, khi thì rửa bát, làm ở đây kiêm hết anh ạ. Cứ bắt đầu từ 4 giờ sáng, nghỉ 1 tiếng ăn trưa, 1 tiếng ăn tối, còn thì làm đến khi hết khách mới thôi, thông thường thì khoảng 11 giờ đêm.

Nguyễn Văn Hùng (Thanh Miện, Hải Dương) mới 15 tuổi, nhưng đã có tới 3 năm lên Hà Nội làm thuê, cho hay: “Em chẳng thấy ai hỏi tuổi bọn em cả. Người ta chỉ hỏi xem có làm được việc này, việc kia không và giá cả, ngày công bao nhiêu thôi. Càng ít tuổi công rẻ, họ càng thích”.

Hùng còn được cả khu “chợ người” này ghen tị vì vóc dáng nhỏ bé của mình. Hùng bảo: “Có mấy khu tập thể kiểu cũ mỗi khi muốn tìm người dọn bể nước công cộng toàn phải tìm em, mấy chú người lớn không chui vào bể nước được”.

Phạm Văn Thái (Đại Từ, Thái Nguyên), mới 14 tuổi rưỡi, nhưng đã có 2 năm kinh nghiệm đi làm thuê cho biết: “Nếu em nhớ không nhầm thì suốt 2 năm đi làm, duy nhất có một người hỏi tuổi em. Nhưng họ hỏi không phải để xem em đã đủ tuổi lao động chưa, mà để biết em và con họ ai nhiều tuổi hơn”.

Hợp với “nghề nguy hiểm”?

Tại một quán ăn trên đường Đê La Thành, dù đã quá trưa nhưng 6 nhân viên mặt “búng ra sữa”, đầu trần vẫn đứng ra lề đường mời và dắt xe cho khách. Nguyễn Văn Đạt, 14 tuổi, quê ở Kim Bôi (Hòa Bình) gò lưng xếp những chiếc xe tay ga SH, PS to, nặng gấp 3 lần cơ thể, đứng thở hổn hển nói: “Em lúc thì dắt xe, lúc thì chạy bàn, khi thì rửa bát, làm ở đây kiêm hết anh ạ. Cứ bắt đầu từ 4 giờ sáng, nghỉ 1 tiếng ăn trưa, 1 tiếng ăn tối, còn thì làm đến khi hết khách mới thôi, thông thường thì khoảng 11 giờ đêm”.

img
Một quán ăn sử dụng LĐTE trên đường Đê La Thành (Hà Nội).

N.V.H 13 tuổi, nhân viên một quán bia trên đường Nguyễn Biểu, có nước da ngăm đen, em gầy và già hơn cái tuổi 13 rất nhiều. Hết chạy bê bia, xếp xe khách, rồi “thu dọn chiến trường”, nên chiếc áo của em đã vắt ra nước. “Làm cốc đã chú?” - tôi bảo, H nháy mắt: “Chạy cong đít lên còn ăn chửi đấy anh ạ. Đông khách, cũng khổ, vắng khách cũng khổ. Lát nữa ngớt khách, em sẽ uống với anh”. Dứt câu, H lại phăng phăng bê bia đi các bàn.

H bảo, làm ở quán bia, đa số khách đều trong tình trạng… lên men, nên nguy cơ các em gặp “tai nạn nghề nghiệp” rất cao. “Với bọn em, việc bị chủ và khách hàng chửi là chuyện bình thường. Nhiều hôm đen gặp khách say rượu, lại có máu côn đồ dính bạt tai sưng mặt mày phải nghỉ làm, nhưng chẳng ai bênh mình”.

H thoáng buồn khi kể về lần mình dính “tai nạn”: “Hôm đó, em vừa bê bia ra, đang định đặt xuống bàn thì ông ấy (khách hàng –PV) đứng dậy thúc vào tay em, thế là mấy cốc bia trút lên lưng lão. Em xin lỗi rối rít, nhưng vẫn ăn hai bạt tai”.

Các làng nghề, quán cơm, bia… rất thích tuyển LĐTE, vì loại lao động này giá ngày công rẻ, lại dễ sai bảo, ngoài công việc chính còn kiêm cả việc giặt, quét dọn nhà cửa…

Ngành nghề “nguy hiểm” nhất cho trẻ em lại là ngành có nhiều LĐTE nhất: Phục vụ quán nhậu. Con trai thì dễ bị bợm nhậu cho ăn đòn, con gái lại hay bị mấy con “yêu râu xanh” say rượu sàm sỡ.

Hơn nữa, xung quanh các em luôn có những cạm bẫy rình rập. Ít tuổi, sớm phải sống cuộc sống bon chen, tiếp xúc với những tệ nạn xã hội, rượu bia, thuốc lá, cờ bạc, thậm chí là cả mại dâm, nên nhiều em từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, đã trở thành trẻ bụi đời, hư hỏng. Đạt - nhân viên một quán ăn trên đường Đê La Thành là một ví dụ điển hình.

Gặp Phạm Văn Đạt tại Trung tâm xã hội 5, không ai nghĩ chỉ 3 tháng trước, khi mới ở Hậu Lộc, Thanh Hóa lên Hà Nội, Đạt còn là cậu bé 14 tuổi nhút nhát làm ở quán miến lươn trên đường Đê La Thành. Để đối phó với những cậu bé làm cùng nhưng lớn tuổi hơn, Đạt hút thuốc, Đạt đánh lô đề, rồi Đạt trộm tiền của chủ nhà... Gặp tôi, Đạt vẫn thì thầm bằng một giọng đặc sệt vùng Hậu Lộc: “Mình không “máu”, tụi hắn bắt nạt chết thôi”.

Đạt chỉ là một trong hàng nghìn, hàng vạn nạn nhân của tình trạng người lớn sử dụng LĐTE bừa bãi hiện nay. Nghe chuyện của Đạt, tôi vừa giận, lại vừa thương. Dù nhiều em cố tỏ ra cứng rắn, sành sỏi, để tôn lên cái tuổi non choẹt và che đi cái chất quê của mình, nhưng sự “lên gân” ấy cũng như bao khẩu hiệu mà xã hội đang giương lên trong hành động vì trẻ em này, nó chẳng thể che khuất được sự nhem nhuốc của những khuôn mặt thơ dại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem