Lao động trở về từ Libya: Được hỗ trợ tìm việc làm mới

Thứ năm, ngày 03/03/2011 02:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã có những hành động thiết thực chung tay giúp người lao động từ Libya trở về sau cơn hoạn nạn.
Bình luận 0

Mong có việc làm mới

Đã về tới Sân bay Nội Bài nhưng anh Trần Hữu Bính (ở Hà Huy Tập, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết sợ hãi. “Tôi và những người bạn ở xưởng đã tháo chạy khi thấy đám đông bạo loạn nổ súng. Tôi cùng 2 anh bạn ở Hà Tĩnh đã thoát chết chạy sang được biên giới giữa Libya - Ai Cập. Về tới nhà, cái lo nhất là tiền trả nợ”.

img
Niềm vui của những người lao động trở vè từ Libya tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Không riêng anh Bính, 318 lao động may mắn trên chiếc máy bay mang số hiệu VN-A151 về nước đêm 1.3 đều chung tâm trạng hy vọng. Mặc dù đã về nước an toàn, người lao động lại phải đối mặt với những khó khăn thường trực về tiền nong, mong mỏi sớm tìm được việc làm mới. Theo ghi nhận của NTNN, hầu hết các lao động đều có gia cảnh nghèo khó.

Có mặt tại sân bay, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trấn an: “Thời gian tới, lao động về nước có thể yên tâm bởi Bộ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp yêu cầu các ngân hàng chưa đòi nợ lao động.

Bộ cũng sẽ yêu cầu các đơn vị cung ứng lao động tạo điều kiện ưu tiên cho lao động về từ Libya có nhu cầu đi làm việc ở các thị trường khác trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Vạn Xuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng- đơn vị có hơn 1.000 lao động đi Libya cho hay: “Hiện, Công ty đang sắp xếp các hợp đồng XKLĐ để chủ động hỗ trợ lao động đi nước khác nếu có nhu cầu như Malaysia, Đài Loan... Hầu hết các chi phí trước khi đi sẽ được miễn giảm hoặc cho nợ”.

Một số doanh nghiệp trong nước cũng rục rịch “xin” tiếp nhận lao động. Trong ngày 1.3, Công ty Cienco 5 đã tuyên bố ủng hộ 5 tỷ đồng để Bộ LĐTBXH hỗ trợ khẩn cấp cho các lao động gặp nhiều khó khăn. Công ty Cienco 5 cũng sẵn sàng nhận hơn 1.000 lao động từ Libya về nước vào làm tại các công trường của công ty này.

Ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho hay, một vài tập đoàn lớn, nhất là các tập đoàn xây dựng cũng đang ngỏ ý tiếp nhận lao động.

Hỗ trợ lao động làm lại hộ chiếu

Trở về từ Ai Cập, anh Nguyễn Văn Thiền (Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương) đã quá kiệt quệ. Anh Thiền nhớ lại: “Mấy anh em chúng tôi chạy theo bản năng, giấy tờ hộ chiếu thất lạc hết”.

Anh Thiền là một trong số hàng nghìn lao động bị mất hết giấy tờ tuỳ thân, chỉ được cấp tạm một giấy thông hành khi qua nước thứ 3 (Ai Cập). Theo quy định, khi sang nước bạn làm việc, hộ chiếu của lao động thường giao cho chủ sử dụng lao động hoặc công ty môi giới lao động giữ (phòng trường hợp bị mất cắp hoặc lao động bỏ việc…).

Anh cho biết: “Chúng tôi được chủ sử dụng lao động người Thổ Nhĩ Kỳ trả hộ chiếu và hỗ trợ di chuyển nên còn may mắn. Có nhiều anh em ở các công ty khác, chủ sử dụng lao động di tản sớm và không trả lại hộ chiếu thì 100% không có giấy tờ gì”.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, với những lao động bị mất hộ chiếu, đoàn công tác đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại cấp giấy thông hành, tạo điều kiện cho tất cả lao động có giấy tờ tuỳ thân thuận lợi cho việc xuất cảnh. Hiện, Cục Xuất nhập cảnh đã chuyển thêm nhiều phôi giấy thông hành sang các nước có lao động Việt Nam di tản từ Libya để “đảm bảo cấp đủ cho lao động”.

Trước đó, đêm 1.3, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Nam cũng đã ra sân bay Nội Bài chỉ đạo việc nhập cảnh cho lao động. Trong đêm 1 rạng ngày 2.3 đã có hơn 1.000 lao động được nhập cảnh nhanh chóng, không ùn tắc. Hiện, phương án cấp lại hộ chiếu cho lao động đang được xem xét sao cho thuận tiện và đảm bảo an ninh nhất.

22 giờ ngày 2.3.2011, 475 lao động Việt Nam từ Malta đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay mang số hiệu PLM2500. 475 lao động này do Công ty Sona và Công ty Vinaconex Mec đưa đi (Sona: 339 lao động; Vinaconexmec: 136 lao động). 5 lao động khác do Công ty Sona cũng sẽ về đến sân bay Nội Bài vào lúc 19 giờ 20 trên chuyến bay thương mại từ Bangkok... Như vậy, hết ngày 2.3 tổng số lao động Việt Nam tại Libya về nước đã lên tới 2.629 người.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trước tình hình số lao động Việt Nam còn ăn chực, nằm chờ ở 6 nước thứ ba (có biên giới với Libya) rất lớn (gần 8.000 người) nên Bộ LĐTBXH đã đề nghị Chính phủ lập cầu hàng không khẩn cấp đưa lao động về nước. Hiện theo thông tin từ Vietnam Airline, 2 ngày tới, sẽ có 3 chuyến bay khẩn cấp tới Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập để đón lao động về nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem