Lão nông 70 tuổi kể chuyện làm doanh nhân, giới trẻ "bái phục"

Thứ sáu, ngày 11/07/2014 13:26 PM (GMT+7)
Ông già 70 tuổi với áo sơmi bạc màu, quần tây xắn tới mắt cá chân ngồi trên chiếc cub 50 treo lỉnh kỉnh túi, chạy vòng vòng từ Củ Chi qua tới quận 7 để gặp khách hàng. Bằng câu chuyện khởi nghiệp của mình, ông đã khiến nhiều bạn trẻ phải cúi đầu thán phục.
Bình luận 0

img

Ông tên là Phan Tư, chủ cơ sở Xuân Thu, chuyên sản xuất các loại củ, quả muối như củ sen, dưa nụ chua ngọt, bắp non, kim chi cà pháo, dưa bồn bồn, ớt ngâm giấm…

Người bán mới biết khách hàng cần gì

Trước đây ông từng đi bộ đội, đi làm báo và từng là phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn. Khi đến tuổi về hưu, ông quyết định về quê vợở Củ Chi làm ruộng. Trồng lúa, hưởng lương hưu hơn 5 triệu đồng/tháng nhưng không thể tạo được việc làm cho nhiều người khiến ông không yên lòng.

Một lần, thấy báo đăng cây bồn bồn là cây triệu phú, ông nảy ra ý tưởng kinh doanh, bèn bàn với vợ và được sựủng hộ nhiệt tình của bà. Vợ chồng ông mang theo 1 triệu đồng mua cây bồn bồn về trồng. Nhưng, cây lớn rồi, đợi mãi mà không thấy ai mua.


Không nản lòng, vợ chồng ông mày mò muối chua bồn bồn để bán. Rút kinh nghiệm từ hồi bán gạo ra chợ thu tiền khó, “siêu thị to vậy chắc là sẽ có tiền trả”, ông bèn tìm đến các siêu thị chào hàng. Vào thời điểm đó, ở thành phố ít người biết cây bồn bồn nên ông bị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng từ chối vì “chưa ai ăn qua làm sao dám mua?”. Ông sang tiếp Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, may mắn là ở đây có người đã ăn qua bồn bồn rồi. Vậy là, ông bán được sản phẩm đầu tiên.

“Chỉ những người đứng bán mới biết hàng nào bán được, khách hàng cần gì? Nhờ họ mình mới có sản phẩm mới”.
Năm 2001, vợ chồng ông thành lập cơ sở Xuân Thu, ghép tên của hai người con gái là Xuân Oanh và Thu Ân. Lúc đó, bồn bồn muối chua của ông bán rất chạy, ông lại thường xuyên đến siêu thị lau chùi sản phẩm, đặt cẩn thận lên kệ. Những người bán hàng tại siêu thị quý ông lắm, cứ gọi ông là “ông bồn bồn”.

Ông chia sẻ: “Chỉ những người đứng bán mới biết hàng nào bán được, khách hàng cần gì? Nhờ họ mình mới có sản phẩm mới”. Thế là ông “mua chuộc” người bán bằng những buổi càphê tâm sự, đến nay Xuân Thu đã có tổng cộng 18 mặt hàng nhờ góp ý của những người bán hàng.

Không được thì… làm tiếp

Trong 18 mặt hàng của Xuân Thu, có món củ sen là do vợ chồng ông tự nghĩ ra. Bắt nguồn từ chuyện ông ăn lẩu dê, vợ ông nấu chè đều sử dụng củ sen. Củ sen vừa lạt vừa ngọt, có thể vừa nấu canh vừa nấu chè. Ông Tư cho biết: “Người đi siêu thị thường không có thời gian, người mẹ nuôi con cần ăn củ sen để có sữa. Đây là món cộng đồng cần nên tui quyết tâm làm”.

Nhưng, củ sen làm chua dễ làm lạt lại rất khó, mất tới năm tháng, ông mới làm ra được món củ sen lạt có thể nấu canh, nấu chè, trộn gỏi… Ông kể, có một sản phẩm của Nhật Bản tên là 555. Sản phẩm này đã trải qua 554 lần thất bại và cố gắng đến lần thứ 555 thì thành công. Vì vậy, nhà sản xuất đã lấy số lần này đặt tên sản phẩm luôn. “Câu chuyện động viên tui dữ lắm, nếu ba tháng không được thì cố gắng làm tiếp”, ông Tư nhớ lại khoảng thời gian làm củ sen.

Sự đồng lòng và ý chí của vợ chồng ông khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Tuy mái đầu đã điểm nhiều sợi bạc nhưng họ vẫn cùng nhau cắp sách đến khoa Hoá trường ĐH Bách khoa TP.HCM tham gia lớp hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm trong ba tháng, để sản xuất thực phẩm an toàn.

Đến nay, cơ sở Xuân Thu đã có xưởng chế biến rộng 1.000m2 ở Củ Chi, tạo việc làm cho 20 lao động nữ. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, ông thường nói với công nhân: “Phải hết sức sạch sẽ. Khách đau bụng là ế chết. Khỏi cần thanh tra y tế xuống, chỉ cần một lần ăn bị đau bụng, khách hàng sẽ chọn thương hiệu khác. May mắn là 13 năm rồi không ai bị đau bụng…”

(Theo thegioitiepthi.net)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem