Nhiều doanh nghiệp, thương lái cần “hàng tuyển”, hàng đẹp đặt làm quà biếu đều tin tưởng trả giá cao để chọn chôm chôm ông Bình.
Giữ giống đặc sản địa phương
Ông Bình kể: “Những năm 1980, tôi từng đi buôn chôm chôm, lúc đó vùng Long Khánh rất ít người trồng được chôm chôm nhãn nên giá bán luôn cao hơn gấp 4-5 lần chôm chôm thường. Sau này tôi chuyển hướng kinh doanh vật liệu xây dựng, khi có vốn tôi mới thuê người trồng vườn trái cây đặc sản này”. Dần dần, ông đầu tư mở rộng được 3 vườn chôm chôm nhãn.
Tuy là “tay ngang” trở thành nông dân nhưng ông Bình luôn đầu tư tới nơi tới chốn cho vườn trái cây. Theo người dân ở đây, từ mười mấy năm trước ông Bình đã sẵn sàng bỏ ra vài cây vàng tìm đến Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam (TP.Hồ Chí Minh) để mua kỹ thuật và các loại phân, thuốc để xử lý tình trạng thối trái, chăm cho trái đẹp.
Ông Bình chia sẻ: “Cây chôm chôm đặc sản này rất khó chăm, khó chiều, chỉ cần bón phân dư là trái nứt vỏ. Chôm chôm nhãn không chỉ ngọt ngon mà còn có mùi thơm nên bị chim chóc ăn nhiều...”. Chính vì vậy, hiện nay nhiều người đang bỏ dần giống đặc sản địa phương này để chuyển sang cây trồng khác vì chăm sóc quá vất vả. Nhưng ông Bình vẫn đổ công, đổ của để vườn chôm chôm đạt chất lượng đúng ý mình.
Người mua “lụy” nông dân
Ông Bình từng mày mò tìm hiểu kỹ thuật, cho đào mương, lắp hệ thống tưới để xử lý cho chôm chôm ra trái sớm. Nhưng rồi ông bỏ hết, để vườn cây phát triển thuận theo tự nhiên vì “cây, trái đúng mùa thì mới cho mẫu mã và chất lượng ngon nhất”. Ông cũng sẵn sàng thuê nhân công cắt cỏ vì không muốn sử dụng thuốc diệt cỏ làm hại cho cây, chủ yếu bón phân chuồng để giữ sức cây bền.
Ông Bình mất vài năm tìm tòi ra kỹ thuật phun sương cho trái chôm chôm ngay sau khi thu hoạch để ướp lạnh một cách tự nhiên và giữ cho trái tươi ngon lâu nhất. Ông trả công hái, công đóng hàng cao hơn để yêu cầu họ nhẹ tay, không làm giập, làm hư hao cây trái trong vườn.
Ông chăm chút, nâng niu vườn cây của mình từng chút vì quan niệm của lão nông này là “làm ra sản phẩm phải để người dùng “đòi” hàng của mình”. Ông Bình tự hào khoe: “Chỉ cần nói chôm chôm ông Bình, người mua luôn tin tưởng không cần khui thùng kiểm tra hàng. Xưa nay đến mua hàng, thương lái luôn là người ra giá, nhưng ở vườn của tôi nông dân mới là người quyết định giá bán. Và tôi luôn bán được với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường”.
Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.