Lão nông kỳ quái cố sức làm ra những nông sản sạch khác người

Duy Hậu Thứ ba, ngày 01/10/2019 13:10 PM (GMT+7)
Tận dụng tất cả những rẻo đất thừa trồng thảo dược, nghiên cứu tìm tòi giống cây mới có giá trị cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, giúp dân học hỏi kinh nghiệm làm giàu…đó là tất cả những việc làm hết sức ý nghĩa của lão nông Phan Đình Xuân.
Bình luận 0

Phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới có thể gặp được ông Phan Đình Xuân (thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Chẳng phải đường sá xa xôi mà vì lão nông U70 này đã quá bận rộn. Cuộc gặp gỡ với ông Xuân diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại hết sức thú vị.

Ông Xuân chia sẻ về việc sản xuất, kinh doanh của mình.

Lo việc bao đồng

Ông Xuân vốn chẳng phải nông dân. Năm 2007, ông về hưu và mới chính thức làm nông. Nhưng khác với những nông dân bình thường, cách làm nông của ông Xuân mới nhìn có lẽ nhiều người sẽ thấy có gì đó "kỳ quái".

img

Nông dân Phan Đình Xuân và những sản phẩm do ông cùng các thành viên hợp tác xã làm ra.

Nếu những nông dân khác khi "vào nghề" sẽ tập trung chăm lo cho ruộng, rẫy của mình thì ông Xuân lại đi lo việc của nông dân khác, bằng việc thành lập Câu lạc bộ khuyến nông với mục đích chia sẻ kinh nghiệm làm nông. "Tôi làm việc trong ngành nông nghiệp nên cũng có một số kinh nghiệm. Do đó, tôi thành lập câu lạc bộ để cùng chia sẻ với mọi người"- ông Xuân cho biết.

Sau khi thành lập Câu lạc bộ nông nghiệp, ngoài các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, ông Xuân tự mình tìm hiểu các mô hình làm ăn hiệu quả và vận động mọi người đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

img

Khu rừng ông Xuân đã giữ gần nửa thế kỷ.

Ban đầu, ông phải đi vận động từng người góp kinh phí để thực hiện các chuyến tham quan. Càng về sau, do người dân nhận thấy được hiệu quả từ việc này, nên chỉ cần ông phát động, tổ chức, các thành viên câu lạc bộ sẵn sàng tự nguyện đóng góp kinh phí để đi.

Tính từ năm 2007 đến nay, ông đã tổ chức, đưa hơn 6.000 lượt người đi tham quan các mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm.

"Tôi không dám khẳng định hiệu quả kinh tế sau những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhưng sự thay đổi về nhận thức của người dân thì thay đổi một cách rõ rệt. Từ những sinh hoạt này, tôi đã dần hướng mọi người đến việc sản xuất an toàn, hướng đến chất lượng và bảo vệ môi trường"- ông Xuân nói.

Ban đầu, ngay cả vợ con cũng nghĩ ông Xuân chỉ lo việc bao đồng khi suốt ngày chỉ gặp nhau trao đổi, rồi lại đi tham quan. Nhưng thực chất, người nông dân ấy lại ấp ủ một giấc mơ khác. Đấy chính là giấc mơ làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng, có lợi nhất cho sức khỏe con người.

Giấc mơ ấp ủ gần nửa thế kỷ

45 năm trước, ông Xuân có một mảnh rừng rộng gần 2ha ngay giữa cánh đồng. Mảnh rừng ấy chẳng mang lại hiệu quả kinh tế gì nhưng ông vẫn giữ nó cho đến tận bây giờ. Ông nói đấy là "lá phổi" để ông thực hiện ước mơ khi về hưu. Khu rừng sẽ là nơi trú ngụ của gia súc, gia cầm cùng với thảo dược. Nó đồng thời sẽ giữ nước cho ruộng lúa xung quanh, mang lại sự trong lành, dễ chịu trong những ngày hè oi bức…Đây chính yếu tố quan trọng nhất để ông thực hiện giấc mơ của mình.

img

Ông Xuân cho biết đang phát triển lúa tím, một sản phẩm được đánh giá có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Và câu chuyện "lo việc bao đồng" của ông Xuân chính là bước tiếp theo để thực hiện giấc mơ ấy. Sau khi thay đổi được nhận thức của nông dân, làm cho mọi người thấy được lợi ích to lớn của việc sản xuất nông sản sạch, ông Xuân bắt đầu phát triển Câu lạc bộ khuyến nông thành Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Nhất.

Các xã viên trong hợp tác xã được ông cho cây giống để trồng thảo dược và măng tây xanh. Toàn bộ quá trình sản xuất, nông dân đều phải tuân thủ đúng quy trình, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Các sản phẩm này, được ông Xuân thu mua lại để sản xuất ra một loại trà.

Sản phẩm này được mọi người trong hợp tác xã thống nhất lấy tên là Trà thảo mộc Xuân Sang. Thành phần bao gồm những loại thảo dược do các xã viên trồng và một số loại thuốc gia truyền của gia đình ông để lại.

Năm 2014, trà Thảo mộc Xuân Sang được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đồng thời được các cơ quan chức năng chứng nhận về các tiêu chuẩn khác. Vào các năm 2016, 2017, sản phẩm này Đạt huy chương vàng bình chọn sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng năm và kỷ niệm chương doanh nhân vì cộng đồng.

img

Một gian hàng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Hợp Nhất tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Sản phẩm được tỉnh Đắk Lắk chọn làm quà biếu trong nhiều hội nghị quan trọng và được chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh để phát triển trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Có một điều hết sức thú vị đó là, mặc dù loại Trà thảo mộc Xuân Sang đã bước đầu có sự phát triển khá mạnh nhưng nó lại không có vùng nguyên liệu. Toàn bộ thảo dược được ông Xuân cùng các thành viên trong hợp tác xã tận dụng những chỗ đất trống như bờ ruộng, ven rào… để trồng.

Ngoài thảo dược, trên bờ ruộng của mình, ông Sang còn trông thêm bưởi da xanh. Ông nói: "Tương lai tôi sẽ trồng thêm sen ở các vùng trũng để giữ nước, dưới hồ nuôi thêm ốc…Cố gắng làm sao để có thể có thu nhập cao nhất trên cùng một diện tích".

Cùng với việc sản xuất trà thảo mộc, hiện nay ông Xuân đang tiếp tục nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm từ cây lúa tím thảo dược. Theo ông Xuân, cũng như thảo dược, lúa tím được ông trồng hoàn toàn theo tiêu chuẩn sạch. Tuy cây lúa có năng suất rất thấp nhưng do nó có nhiều lợi ích cho sức khỏe của mọi lứa tuổi nên ông đã quyết định mang về trồng.

"Mong muốn lớn nhất của tôi là sản xuất ra những sản phẩm có lợi nhất cho sức khỏe. Không chỉ sản phẩm phải sạch mà việc sản xuất phải luôn chú trọng đến môi trường xung quanh"- ông Xuân nói.

Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, ông Phan Đình Xuân có rất nhiều các hoạt động có ý nghĩa rất lớn cho cộng đồng. Đây là nông dân xứng đáng nhất mà chúng tôi đã phải đắn đo rất nhiều để đề cử "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem