Lão nông làm thủy điện “xanh”

Thứ sáu, ngày 20/09/2013 10:54 AM (GMT+7)
Dù vốn văn hóa chỉ mới hết lớp 5 phổ thông nhưng bằng quyết tâm tự học, tự nghiên cứu, ông đã tạo ra dòng điện cho riêng mình. Đó là nông dân Ngô Văn Quýnh (thôn Tân Hòa, xã Đăk RMoan, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông).
Bình luận 0
Cái khó ló… quyết tâm

Những năm 1980-1995, ông Quýnh sống ở vùng Chiến khu D, thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Nơi ấy dân cư thưa thớt và gần như bị cô lập với bên ngoài nên cuộc sống của gia đình ông gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Sống vùng sông nước, thường xuyên tiếp xúc với thuyền chạy bằng máy nổ, ông Quýnh chợt nghĩ phải làm cách nào đó để khiến những cái chân vịt của thuyền máy cùng dòng nước xung quanh mình tạo ra năng lượng để phát điện.
Nghĩ là làm, ông Quýnh bắt đầu… làm thủy điện bằng cách chế tạo chân vịt. Miệt mài gia công các chi tiết, cuối cùng cái chân vịt mà ông Quýnh chế ra khi đặt xuống suối đã có thể làm quay dinamo phát ra điện. Năm 1995, ông Quýnh đã chính thức cho ra đời thủy điện đầu tiên của mình với công suất 20kW. Với thủy điện này, ông Quýnh cung cấp đủ điện sinh hoạt cho 150 hộ dân (ấp Bà Hào, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đồng thời phục vụ cho nhà máy nước đá của ông.

Ông Ngô Văn Quýnh và “thủy điện xanh”…  siêu rẻ của mình.
Ông Ngô Văn Quýnh và “thủy điện xanh”… siêu rẻ của mình.

Năm 2001, khi chuyển về xã Đăk RMoan, ông Quýnh lại tiếp tục làm thủy điện. Hồi ông Quýnh về Đăk RMoan, mọi thứ ở đây hãy còn rất “hoang sơ”. Và cái thủy điện 1.000kW của ông Quýnh đã làm “sáng” lên cả một vùng quê nghèo khó. Thủy điện của ông Quýnh chỉ đơn giản nhờ thế nước dốc làm quay chân vịt kéo dinamo phát điện. Thế nhưng cái tưởng chừng đơn giản ấy không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm. Tiếc rằng cái thủy điện nhỏ ấy bị một cái thủy điện to hơn đè bẹp. Mất cái thủy điện ấy, ông Quýnh đau như mất con, bởi: “Nó không đơn thuần là của cải mà là cả một quá trình dày công nghiên cứu của tôi, là một công trình khoa học của một người nông dân. Thế mà người ta đền cho tôi hơn tỷ rưỡi, chưa bằng 1/10 những gì tôi đã bỏ ra”.

Quyết tâm làm nên nghiệp lớn


Sau khi Thủy điện Đăk RTik làm ngập thủy điện của mình, ông Quýnh gần như trắng tay. Đòi đi đòi lại, người ta vẫn không chịu đền bù thỏa đáng cho ông. Nhưng cái khát khao “làm nên một cái gì đó vừa bảo vệ được môi trường vừa có lợi cho dân” khiến ông Quýnh không thể từ bỏ “giấc mơ thủy điện”. Để thực hiện giấc mơ ấy, ông Quýnh bắt đầu bằng việc đi học cấp 2. Để có thể đi học, ông vận động nhiều người cùng theo học rồi mời thầy về giảng dạy. Tiếp đó, ông theo học THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đăk RLấp. Khi hoàn thành xong 2 cấp học này, ông Quýnh cũng đã gần tuổi 60. Cùng với việc học văn hóa, ông ngày đêm nghiên cứu về thủy điện. “Tôi muốn một cái thủy điện có chi phí thấp nhất và an toàn cho môi trường nhất”- ông tâm sự.

Ông Quýnh đang nghiên cứu thiết bị tích tụ khí nén nhờ nguồn nước dồi dào vào mùa mưa để phát điện vào mùa khô hạn. Ông “bật mí” đã thí nghiệm và có kết quả rất khả quan.


Tháng 12.2012, ông Quýnh chế tạo ra một cái tubin đường kính 1,7m. Đặt tuabin này dưới cột nước cao 5m, ông Quýnh thu về 1.500kW điện. Từ thành công này, ông tiếp tục nhờ dòng chảy của suối Đăk Rung làm “thủy điện xanh”. Nếu các thủy điện lớn chi phí chừng 30 tỷ đồng cho 1MW điện thì thủy điện của ông Quýnh có chi phí bằng 1/10.

Sau khi mô hình “thủy điện xanh” của ông Quýnh mang đi triển lãm tại Đà Nẵng, đầu năm nay, ông Quýnh đã nhận được 2 đơn đặt hàng trị giá gần chục tỷ đồng để chế tạo và lắp đặt “thủy điện xanh” cho 2 công ty. Điều đặc biệt hơn, 1 trong 2 công ty phải “nhờ vả” đến ông lại là chuyên gia về thủy điện. Ông Quýnh sẽ chế tạo và lắp đặt “thủy điện xanh” với công suất 2MW cho Công ty CP Thủy điện Đăk Mê (Lâm Đồng) dựa trên nguồn nước thải có độ cao chỉ 6m. Hiện việc này được ông gấp rút hoàn thành để lấy tiền “nuôi” thủy điện của mình.

Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem