Lão nông tâm huyết vực dậy văn hoá Khơ Mú

Lê San Thứ tư, ngày 20/07/2016 06:22 AM (GMT+7)
Về bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên) hỏi gia đình ông Quàng Văn Cá, hầu như ai cũng biết. Ông Cá nổi tiếng không chỉ là một nghệ nhân tâm huyết với văn hoá dân tộc người Khơ Mú, mà còn bởi có tới 5 đứa con học đại học.
Bình luận 0

Say mê truyền dạy văn hóa cho lớp trẻ

Bản Tọ Cuông là 1 trong 3 bản của xã Ẳng Tở có 100% dân số là người Khơ Mú, trong đó ông Quàng Văn Cá là một trong số ít những nghệ nhân am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hoá của dân tộc mình. “Trước đây, tôi được đi theo ông ngoại là một thầy cúng nên tất cả các lễ hội, phong tục, nghi thức lễ cúng nào của người Khơ Mú tôi đều nắm rõ. Nhưng tới bây giờ, nhiều lễ hội của người Khơ Mú dần dần ít được tổ chức. Không có nhiều lễ hội, những bài ca, điệu múa cũng không còn ai hát, ai múa” – ông Cá chia sẻ.

img

Ông Quàng Văn Cá (giữa) làm lễ tại lễ hội Cầu mưa của người Khơ Mú. ảnh: Lê San

Là một người tâm huyết, ông Cá không muốn thấy bản sắc dân tộc mình bị mai một, nên đã tìm tòi sưu tầm và đề xuất với xã, huyện phục dựng lại được lễ hội Cầu mùa, Cầu mưa và một số bài múa dân gian như: Múa Chập Chòe (Hưm Mạy), múa Tăng Bu; khôi phục một số nhạc cụ và hướng dẫn thế hệ trẻ cách sử dụng pí, đàn môi, đàn nhị...

"Nhờ thầy Cá mà tôi biết được rõ được ngọn nguồn những phong tục, tập quán của dân tộc mình. Không có thầy kết nối, không biết đến bao giờ bản sắc văn hoá của dân tộc Khơ Mú ở Tọ Cuông mới khởi sắc được như vậy”.
Anh Lò Văn Một

Ông Cá cho biết: “Một mình tôi không thể khôi phục được mà phải làm thế nào để khơi dậy được hứng thú trong mỗi người dân, phải lồng ghép vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại địa phương. Từ phụ nữ cho tới nam giới, ai cũng biết múa, hát và sẵn sàng đi trình diễn ở nhiều nơi. Giờ cứ tối đến, thanh niên trong bản lại đến nhà tôi để cùng nhau luyện tập văn nghệ. Và nay, nói đến văn hoá của người Khơ Mú người ta sẽ nhắc đến bản Tọ Cuông”.

Anh Lò Văn Một - học trò của ông Cá nhận xét: “Thầy Cá là người rất tâm huyết với văn hoá truyền thống. Chỉ cần ai muốn học, thầy đều chỉ bảo rất nhiệt tình”. Ngoài am hiểu về văn hoá, hiện ông Cá còn là thầy cúng và đang truyền nghề cho 2 người trong bản để tiếp nối truyền thống.

Không để con “nghèo” chữ

Ông Cá có 8 người con, trong đó 5 người đã và đang học đại học. “Đứa thứ hai nhà tôi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, đang làm giáo viên tiểu học. Đưa thứ ba tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, vừa  công tác được 1 năm. Đứa thứ tư tốt nghiệp Cao đẳng Y Thái Bình, đang công tác ở xã. Đứa thứ năm tốt nghiệp đại học sư phạm, vừa trúng cử HĐND huyện. Còn lại hai đứa đang học Đại học Tây Bắc” – ông Cá tự hào khoe.

Năm 1991 là năm gia đình ông gặp khó khăn nhất khi nhà đông con, đất đai chỉ mới khai hoang. Ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm nương từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Thức ăn không có gì ngoài củ mài chấm muối. Con ông cũng có đứa muốn nghỉ học để ở phụ giúp bố mẹ làm lụng nuôi các em, ông kiên quyết không cho nghỉ. “Đời mình không có chữ đã khổ lắm rồi, nên vất vả mấy cũng phải quyết cho chúng nó ăn học đến nơi, đến chốn” – ông Cá chia sẻ.

Phần thưởng cho nỗ lực không ngừng của vợ chồng ông là các con đều lớn khôn và trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Vợ chồng ông cũng có kinh tế ổn định với 2ha cà phê, ao thả cá rộng 11ha, 18ha rừng, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem