Lão nông với dự án đào 100 con sông để chống lũ

Thứ hai, ngày 06/06/2011 11:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo tính toán của ông Nhương, với các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá trở vào Bình Định, Phú Yên, cần đào 100 con sông để tránh lũ. Để đào được một con sông như vậy sẽ mất khoảng 45.000 tỷ đồng...
Bình luận 0

Xuất thân từ mảnh đất nghèo Hải Phú, huyện Hải Hậu (Nam Định), từ năm 1996 ông Nhương đã cùng vợ con lên đường vào Nam kiếm sống. Sau hơn 10 năm lang bạt, ông dừng chân ở Đăk Nông để chuyên trồng cà phê và cao su cho giá trị kinh tế cao hơn.

img
Ông Trần Văn Nhương đang đọc bản nghiên cứu của mình.

Tự bỏ tiền nghiên cứu

Mỗi năm, khi theo dõi trên TV, ông đều thấy cảnh lũ lụt thường xuyên xảy ra ở miền Trung, mà không có giải pháp gì có thể phòng, chống hiệu quả. Vì sao như vậy? Câu hỏi đó luôn lởn vởn trong đầu ông và ông quyết định tự mình bỏ tiền đến “nghiên cứu” thực địa tại miền Trung.

Nghĩ là làm, ông Nhương đã đến từng con sông - “thủ phạm” chính gây ra lũ như sông Lam (Nghệ An), sông Mã (Thanh Hoá), sông Gianh (Quảng Bình), sông Thu Bồn (Quảng Nam)… khăn gói ra miền Trung để nắm “thực địa”.

Chỉ là một nông dân “đặc sệt”, nhưng ông nông dân Trần Văn Nhương, chuyên làm nghề trồng cà phê và cao su ở xã đăk Sin, huyện Đăk RLấp (tỉnh đăk Nông) đã có 5 công trình khoa học. Ước mơ lớn nhất của ông là được đem các “công trình khoa học” ấy áp dụng vào cuộc sống.

Rồi ông Nhương lên mạng, tìm sách đọc xem người ta phân tích nguyên nhân vì sao miền Trung cứ bị lũ suốt như vậy, trong số các nguyên nhân mà ông tìm thấy nào là do sông, ngòi có địa hình ngắn, dốc, cơ sở vật chất yếu, kém…

Song có rất ít giải pháp được đưa ra, mà chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào giải quyết phần ngọn như di dời dân đi nơi này, nơi khác. Sau chuyến thực tế đó, ông Nhương đã nhận ra rằng, ngoài địa hình ngắn, dốc, các con sông ở miền Trung đều rất ngoằn ngoèo chạy dài qua nhiều địa hình.

Trở về nhà, ông Nhương lao vào viết công trình nghiên cứu của mình với cái tên là: “Dự án phòng và hoá giải lũ cho miền Trung” dài 11 trang. Theo bản dự án muốn hoá giải lũ, chỉ có một cách là phải đào thêm các con sông nhân tạo cắt qua các con sông tự nhiên ở đây.

Theo ông Nhương: “Những con sông này có chiều dài phù hợp với khu vực mà lũ có thể xảy ra. Sông có độ dốc dần đều ra biển và được mở qua các vùng dân cư thưa thớt tránh các công trình quốc gia. Điều này sẽ làm cho lũ không dâng cao được về mùa mưa, đồng thời những tháng không lũ ta có thể tận dụng làm hồ chứa nước dự trữ cho mùa khô và có thể tận dụng để nuôi trồng thuỷ sản”.

Hơn 2,2 tỷ USD để đào 100 con sông

Ông Nhương cho rằng: “Thực tế trong lịch sử nước ta, các cụ đã từng quai đê, lấn biển và cả đào sông tự nhiên, như con sông Đào ở Nam Định cách đây 200 năm hay kênh Vĩnh Tế ở đồng bằng sông Cửu Long. Hồi đấy, nhân dân ta chỉ đào bằng tay thôi còn làm được, cớ gì ngày nay chúng ta có thiết bị, máy móc hiện đại lại không đào sông được”.

Tính toán của ông Nhương cho thấy, với các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá trở vào Bình Định, Phú Yên, cần phải đào 100 con sông để tránh lũ với khoảng cách cứ 10km đào một con sông với độ dài trung bình 30km, rộng 100m, lòng sông sâu 5m. Để đào được một con sông như vậy, theo bản hạch toán kinh tế của ông Nhương, sẽ mất khoảng 45.000 tỷ đồng, bao gồm tiền đào sông, tiền xây dựng cầu, cống mới, tiền di dời dân và các khoản chi khác.

Tôi viết bản ý tưởng chống lũ chẳng phải để lấy tiền nhuận bút hay nhằm mục đích gì, mà bản thân tôi là một nông dân, từng lăn lộn ở nhiều nơi, thấy dân khổ nên phải xắn tay giúp đỡ.

Theo ông Nhương: “Số tiền trên tuy lớn, nhưng so với thiệt hại hàng năm do lũ lụt gây ra ở miền Trung lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, thì chỉ một hoặc hai năm sau ta đã “hoà”. Điều quan trọng là giúp cho người dân ổn định cuộc sống, đặc biệt tránh thiệt hại về người sau mỗi trận lũ lụt”.

Cho đến nay, ông Nhương đã hoàn thành “công trình” nghiên cứu khoa học, tuy còn sơ thảo, nhưng theo ông nếu được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, nhà nước, ông sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hơn nữa.

Sau khi hoàn thành bản nghiên cứu đó, ông đã lần lượt gửi đơn đề nghị, hồ sơ hết lên Sở Khoa học- Công nghệ Đăk Nông đến UBND tỉnh Đăk Nông, thậm chí ra cả một số cơ quan T.Ư. Dù vậy, những đề nghị của ông hiện vẫn chưa được hồi âm và chìm vào im lặng, lãng quên.

-----------------

Bài 2: Ước mơ đem khoa học đến cho đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem