Lão thầy thuốc "điên" và thùng tiền công đức chữa bệnh

Tiêu Dao Thứ ba, ngày 31/01/2017 13:11 PM (GMT+7)
Lão chữa bệnh, không lấy tiền, ai cho thì lão giữ lại rồi gom góp cho lại những mảnh đời khốn khổ. Người ta bảo lão điên...
Bình luận 0

Ôi thì thây kệ! miệng lưỡi người đời mà. Ai muốn nói gì thì nói. Miễn sao mình làm được việc mà mình thấy thích là được. Lão thích “vác tù và hàng tổng”, lão thích ôm mối lo vào mình. Chỉ riêng lão mới thế, chứ người đời ai muốn. Vậy mà lão vẫn muốn, nên người ta mới bảo là lão điên. Lão chỉ chậc lưỡi.

Bốn năm trời rồi, con số có thể hơn nhưng lão chỉ tính chẵn vậy cho dễ. Tính lão vốn xuề xòa thế. Nên người dân nơi lão ở suýt quên tên lão là Đỗ Thanh Bình (61 tuổi, thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi), mà người ta hay gọi lão là Bình “khùng”.

Lão có khùng hay không theo bệnh lý thì người dân nơi đây biết rõ, người dân khắp cả tỉnh Quảng Ngãi này cũng biết rõ. Đấy là người ta yêu mến lão mà gọi lão thế thôi. Chứ lão có khùng thật đâu. Chẳng qua lão đem hết tiền nhà đi làm từ thiện, chẳng qua lão đem hết tài năng và tấm lòng mình ra để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Không đòi hỏi, không câu nệ, không lợi lộc, không phân biệt. Chỉ cần có tiền ủng hộ cho người bệnh, chỉ cần chữa được bệnh, chỉ cần thấy người bệnh hết đau, chỉ cần thế là lão vui.

img

Ông Bình trò chuyện với phóng viên

Lão cười với tôi, khoe hàm răng móm mém. Nắc nỏm, lão bảo lão chỉ có một tâm niệm, ấy là sống để cho đi yêu thương. Còn người đời nói gì lão không quan trọng. Có thế mới chuyên tâm làm việc được.

Lão kể, đời lão cũng chẳng có gì sung sướng. Nhưng nhìn quanh nhìn quất thấy người ta khổ nhiều quá. Khổ nhiều hơn lão cả trăm nghìn lần. Mà nỗi đau khổ lớn nhất ấy là việc đau vì bệnh, vì không tiền chữa trị, không tiền thuốc men. Lão vốn là thầy thuốc đông y chuyên về xương khớp, thần kinh tọa. Giúp được người thì lão giúp. Thế thôi.

Lão cười khoe nụ cười viên mãn của người đã ở cái tuổi lục tuần. Tóc lão dài, bạc trắng và được buộc túm gọn lại sau gáy như những vị lương y trên phim của miền đất phương Nam vậy. Lão bảo đừng chụp hình lão, coi chừng hư máy ảnh, vì lão xấu. Thấy tôi cười, lão gục gặc cái đầu lất phất những sợi tóc buông chùng trước chiếc trán hói vì nhiều đêm thức làm thuốc, thức để khám chữa bệnh cho người nghèo. Lão bảo lão chẳng cần đẹp làm gì. Ở cái tuổi của lão, còn làm đẹp cho ai. Lão nắc nỏm sau câu nói dí dỏm ấy. Ừ thì bề ngoài lão chẳng đẹp, nhưng lão lại có một tâm hồn đẹp, một tấm lòng đẹp mà chẳng mấy ai có được.

Bao nhiêu năm trời rồi, căn nhà cấp 4 ám màu rêu phong và khói bếp thuốc nam của lão vẫn thế. Căn nhà xây từ khi lão lấy vợ, cũng nhiều tuổi hơn cả mấy đứa con của lão rồi. Mái ngói cũng đong đưa tròng trành như răng của lão, nhưng vẫn trụ vững với gió với bão, với mưa với lốc. Nhưng đồ rằng còn phải trụ lấy nhiều năm nữa, để lão còn lấy chỗ làm thuốc, lấy chỗ chữa bệnh cho người nghèo nữa. Thế nên căn nhà ấy vẫn cùng lão, ngày ngày rồi đến đêm đêm làm chốn tìm về của các bệnh nhân nghèo không có tiền đến bệnh viện.

Căn nhà cấp 4 của lão lúc chúng tôi đến đã có vài chục bệnh nhân ngồi chờ. Lão cặm cụi, chân thành, yêu thương tới từng người bệnh như chính đứa con mình đang đau nặng vậy. Bệnh nhân tìm đến với lão chủ yếu là những người lao động nghèo ở khắp tỉnh Quảng Ngãi, những người bệnh mắc các bệnh về xương khớp, cột sống. Những người bệnh tìm đến không chỉ vì biết lão chữa bệnh hiệu quả, mà lại có lòng thương người, chữa bệnh tận tâm nhưng không lấy tiền công, cho thuốc miễn phí. Có khi còn cho cả tiền mang về mua thức ăn bồi bổ nữa.

img

Ông Bình trong một lần trao tiền cho bệnh nhân. (Ảnh chụp lại)

Bất cứ ai bước vào căn phòng nơi lão đặt bàn chữa bệnh, nơi xếp những thang thuốc chữa bệnh trên một chiếc thùng gỗ, bên ngoài có ghi dòng chữ “Kết nối những tấm lòng”. Ở đó, có người bệnh sau khi được lão chữa xong bước đến, nhẹ nhàng xếp vài đồng tiền lẻ nhăn nheo, bạc thếch nặng màu mồ hôi bỏ vào thùng. Vài ngàn lẻ thôi, trong đó có cả những tờ tiền mệnh giá 500 đồng, xếp gọn gàng. Ai có thì bỏ, người nhiều người ít, chẳng ai nhắc ai, chẳng ai xăm soi, chẳng ai yêu cầu tự nguyện bỏ tiền vào thùng, tất cả đều như muốn gửi gắm một điều gì đó vào chiếc thùng gỗ kia, gửi gắm vào tấm lòng của lão. Đó là chiếc thùng của những tấm lòng.

Lão lập nên để chẳng những cứu giúp hàng nghìn bệnh nhân qua khỏi cảnh bệnh tật, hoạn nạn mà còn để gom những đồng tiền lẻ, mỗi tuần đủ 1 triệu đồng, lão đã gửi gắm, trao tặng đến những mảnh đời khốn khó khác mà lão được biết. Cứ thế, nhiều năm qua, lão đã trao đi hàng trăm triệu đồng cho những hoàn cành bệnh tật khốn khó cùng cực.

Ban đầu lão lên xã gặp cán bộ để xin ý kiến, được xã cho phép, lão kiếm ít gỗ đóng chiếc thùng nhỏ. Xong xuôi mang thùng lên xã, nhờ cán bộ xã niêm phong lại. Hàng ngày, lão vừa chữa bệnh người bệnh bỏ tiền vào thùng, tùy lòng hảo tâm. Mọi người đều hưởng ứng, người thì 500 đồng, người thì vài nghìn. Toàn tiền lẻ, vì người bệnh ai cũng nghèo khó. Sau thời gian một tháng, lão mời mọi người đến để mở thùng gỗ ra kiểm tiền, dù chỉ toàn tiền lẻ, số tiền góp được chẳng là bao nhg mà quý lắm! Lão bộc bạch thế. Số tiền có được, lão mang giúp lại những trường hợp tai nạn, ốm đau bệnh tật đến gia đình khánh kiệt, có trường hợp thì người già neo đơn không nơi nương tựa, có trường hợp con trẻ bơ vơ vì mồ côi cha mẹ. hoàn cảnh nào cần, lão đều giúp.

Chữa bệnh hiệu quả lại thật tâm giúp người, lão được nhiều người biết đến, số bệnh nhân tìm đến mỗi ngày một đông. Trong đó có rất nhiều người được lão chữa khỏi bệnh đã rất ngạc nhiên khi thấy lão không lấy tiền, không đòi hỏi. Họ khuyên nên lấy tiền công chữa bệnh để sống sung túc dư giả hơn như bao người khác vẫn làm. Lão chỉ cười rồi từ chối. Thấy lão chối từ, họ cố tìm cách báo đáp. Không ít người đã để lại tiền trước khi ra về, coi như là chút ân tình đền đáp. Gặp chuyện thế, lão thấy áy náy lắm. Thôi thì người ta cũng có lòng. Mình không dùng nhưng còn nhiều người cần tới. Nghĩ vậy. lão lại mang tặng lại những người nghèo khổ khác.

Cứ thế, bằng cách góp nhặt tình thương, lão mang đến biết bao niềm hy vọng cho những mảnh đời khốn khó. Lão bảo, nếu lão cũng làm như người ta, thì bây giờ nhà lão đã phải nhà ba tầng, giàu nhất cái xóm này. Nhưng trước giờ lão vẫn thế, ở căn nhà cấp 4 từ ngày xưa, mặc những bộ quần áo bình thường nhất, ăn những thức ăn đạm bạc nhất và chỉ chữa bệnh, hái thuốc, làm thuốc để vui.

img

Một trong số những bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi dành cho ông Bình

Nhiều năm qua, hầu như tuần nào lão cũng được lên tivi. Nhưng lão bảo lão chẳng cần danh tiếng, chẳng cần bằng khen. Lão làm vì cái tâm của mình, vì cảm thương những hoàn cảnh nghèo khốn khổ đau bệnh tật. Người ta phấn đấu để được cái bằng khen, còn lão bằng khen treo đầy nhà. Cũng chỉ để ngắm, để tâm niệm với việc mình làm nhiều hơn. Với những người bệnh nghèo, lão như ông tiên với chòm râu bạc, mang đến yêu thương, xóa đi đau bệnh, gieo vào cuộc sống lắm bộn bề khốn khó này nhưng tình thương, lòng nhân ái bao dung và cả niềm tin, nghị lực cho mỗi người. Để họ sống tốt hơn, biết làm thêm những điều lương thiện trao đi cho người khác. Bây giờ, nếu có vô tình gặp ông lão tóc bạc vai mang túi dết, ăn mặc không cầu kỳ nhưng gọn gàng đi trên đường hay tìm gặp nhà người bệnh nào đó, đích thị đó là lão lương y “khùng” Đỗ Thanh Bình, người đi trao những yêu thương của cuộc đời

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Lại (Trưởng thôn Đoàn Kết) cho biết: “Chẳng những chữa bệnh miễn phí cho mọi người, ông Bình còn nhiệt tình làm từ thiện. Bằng những đồng tiền lẻ nhỏ bé, 4 năm qua ông Bình đã giúp đỡ cho rất nhiều trường hợp. Những hoàn cảnh khó khăn trong thôn cũng được ông Bình đỡ đần, cưu mang. Việc làm của ông Bình chúng tôi rất ủng hộ, khuyến khích. Vừa qua, ông Bình được Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Đông y TP.Quảng Ngãi tuyên dương, tặng bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như xây dựng, phát triển Hội Đông y TP.Quảng Ngãi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem