Lấp ao vì cá rô đầu vuông

Thứ ba, ngày 14/02/2012 13:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông dân nuôi cá rô đầu vuông ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang “điêu đứng” vì cá liên tục rớt giá. Từ giống cá thu về tiền tỷ, nay nông dân phải lấp ao chuyển qua trồng lúa hay nuôi thủy sản khác.
Bình luận 0

“Vua” cá rô cũng lấp ao

Vào năm 2010, nhiều nông dân xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) liên tục đào ao nuôi CRĐV bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương… thì nay nhiều người lấp ao vì thua lỗ cũng vì con CRĐV này. Lúc bấy giờ, nhiều hộ còn đào ao khi lúa đang trổ đòng vì lợi nhuận con cá lúc ấy quá lớn so với trồng lúa. Phong trào không chỉ ở tỉnh Hậu Giang mà lan rộng ra khắp các tỉnh, thành khác ở khu vực ĐBSCL.

img
Ông Trương Phú Quốc đã bỏ nghề do liên tục thua lỗ.

Thế nhưng, sau Tết cổ truyền, chúng tôi trở lại vùng nuôi cá rô đầu tiên ở xã Vĩnh Thuận Tây. Không khí ở đây khá tiêu điều, ảm đạm do hầu hết các hộ nuôi CRĐV đều lấp ao chuyển qua trồng lúa.

Ông Trương Phú Quốc ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây buồn bã: “Tôi là một trong những người nuôi CRĐV đầu tiên trong xã cũng phải bỏ nghề. Nguyên nhân chính là giá cá quá thấp trong khi giá thức ăn lại liên tục tăng, tỷ lệ hao hụt lớn... Hiện nay, rất ít người dám thả nuôi vì giá thành cao hơn giá bán ra nên đành lấp ao để trồng lúa”.

Lúc đỉnh điểm năm 2010, gia đình ông Quốc nuôi 3 ao với diện tích gần 6.000m2. Tuy nhiên, chỉ sau 1 mùa vụ, gia đình ông đã bị lỗ hơn 200 triệu đồng. Sau đợt thua lỗ nặng này thì gia đình ông đã lấp 2 ao để trồng lúa, ao còn lại phải bỏ không để tìm hướng nuôi loài thủy sản khác.

Nhiều nông dân trước đây được xem là “vua” CRĐV khi thu về tiền tỷ mỗi năm như ông Nguyễn Hùng Anh, Nguyễn Văn Khải ở ấp 5 giờ cũng phải lấp ao, bỏ nghề vì giá xuống quá thấp. Ông Khải là người đầu tiên phát hiện và nhân giống CRĐV nay phải chuyển qua nuôi cá sặt rằn và chăn nuôi gà, rắn…

Ông Khải cho biết: “Do thấy lợi nhuận từ con CRĐV quá lớn nên nhiều người đã đổ xô vào nuôi, thậm chí đào ao ngay thời điểm lúa đang trổ. Phong trào đã lan rộng ra các địa phương khác nên dẫn đến dội chợ, rớt giá”.

img
Những con CRĐV với trọng lượng lên đến gần 0,6kg từng đem lại tiền tỷ cho nông dân.

Còn hộ ông Hùng Anh thì thu tiền tỷ những vụ đầu nhờ vào bán cá giống và cá thịt thì gần đây cũng thua lỗ nặng. Mấy trăm con cá giống lúc đầu giá cả triệu đồng/con nhưng đến nay bán không ai mua. Ông đành đem ra chợ bán với giá hơn 20 ngàn đồng/kg.

Ông Hùng Anh than thở: Bây giờ nuôi CRĐV khó hơn trước đây rất nhiều, tỷ lệ hao hụt lớn có lẽ do thoái hóa giống, giá thức ăn tăng cao. Vì , từ giống cá đem lại tiền tỷ thì bây giờ nhiều nông dân lại mắc nợ từ con cá này.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 300 ha nuôi CRĐV. Tuy nhiên, hiện nay đã có 2/3 diện tích đã được lấp ao để trồng lúa vì liên tục thua lỗ. Diện tích còn lại cũng “treo ao” hay tìm nuôi các loại thủy sản khác.

Các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang... cũng chịu cảnh thua lỗ, treo ao. Những hộ nuôi cá tra trước đây bị thua lỗ khi chuyển qua nuôi CRĐV lại tiếp tục thua lỗ. Ông Út Hòa ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) nuôi cá tra liên tục thua lỗ nên năm 2011, ông tiếp tục đầu tư vốn để nuôi CRĐV. Tuy nhiên, vụ thu hoạch ngay thời điểm rớt giá nên ông tiếp tục lỗ hàng trăm triệu đồng. Hiện ông Hòa phải “treo ao” để tìm loài thủy sản thích hợp để thả nuôi.

Bài học về nuôi phong trào

CRĐV là loài thủy sản mới phát hiện trong thời gian gần đây với nhiều ưu điểm vượt trội so với cá rô đồng như: Cá lớn nhanh, trọng lượng lớn hơn cá rô đồng gấp 3 đến 4 lần…Thời gian đầu, nông dân nuôi với diện tích 1.000m2 có thể lời vài trăm triệu đồng chỉ sau 4 đến 5 tháng. Chính vì lợi nhuận hấp dẫn nên rất nhiều nông dân đã ồ ạt thả nuôi và phong trào đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Hiện tại, giá CRĐV đang xuống rất thấp khoảng 23.000 đồng/kg (loại 10 con/kg), giá thức ăn lại liên tục tăng nên nông dân bị thua lỗ nặng. Đồng thời do chưa quy hoạch vùng nuôi nên dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, một số vùng không thích hợp cũng thả nuôi dẫn đến tỷ lệ hao hụt lên đến 40% (cao gấp 4 lần so với trước đây).

img Lúc đỉnh điểm, nông dân ào ạt đào ao mặc cho khuyến cáo của chính quyền địa phương. Do nuôi tràn lan như vậy nên dẫn đến rớt giá, nông dân thua lỗ, trong khi chi phí đầu tư lại rất lớn. img

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây

Bà Nguyễn Hồng Tim – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vị Thủy cho biết: “Chuyện CRĐV rớt giá là đương nhiên vì phong trào phát triển rất nóng mặc cho khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Trước đây, toàn huyện có 70ha thì nay giảm xuống còn 15ha nhưng cũng thả nuôi cầm chừng do thua lỗ”.

Ông Đặng Ngọc Giao – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho biết: “ Ngành nông nghiệp đang tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi, chỉ những nơi có điều kiện thuận lợi mới phát triển nghề nuôi đồng thời gắn với nhu cầu thị trường để tránh trường hợp dội chợ, rớt giá như hiện nay. Ngoài ra, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật để giúp nông dân hạ giá thành nuôi, giúp nghề nuôi ổn định và bền vững hơn”.

Câu chuyện về dội chợ, rớt giá; phát triển nóng không theo quy hoạch ở con CRĐV lại tiếp tục tái diễn như nhiều loại cây, con khác ở khu vực ĐBSCL trong thời gian gần đây. Bài học này liên tục tái diễn mà vẫn chưa có hồi kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem