Lắp camera giám sát phương tiện vi phạm luật: Phạt nguội nhưng phải thật “nóng”

Thế Anh Thứ sáu, ngày 08/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Câu chuyện phạt nguội đang là chủ đề rất “nóng” liên tiếp xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội, quán cafe, nơi công sở... Lợi ích của phạt nguội rất lớn, nhưng làm thế nào để phạt nguội phát huy được tác dụng răn đe kịp thời là điều nhiều người trăn trở.
Bình luận 0

Tài xế vi phạm 28 lần cùng một lỗi

Việc lực lượng chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông (CSGT) xử "phạt nguội" người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã được triển khai từ nhiều năm nay. Theo thống kê của Công an TP.Hà Nội, năm vừa qua, chỉ với 200 camera mà Công an Hà Nội đã phạt nguội đến 16.000 trường hợp tài xế vi phạm luật.

Đáng chú ý, có những trường hợp điển hình khiến cho lực lượng thi hành nhiệm vụ phải "kinh ngạc" như tài xế taxi công nghệ vi phạm 28 lần cùng một lỗi, hay nam tài xế 16 lần vi phạm. Riêng tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, hơn 1.200 ôtô đã bị camera ghi lại việc dừng đỗ trái phép.

Lắp camera giám sát phương tiện vi phạm Luật: Phạt nguội nhưng phải  thật “nóng” - Ảnh 1.

Trung tâm điều khiển camera giám sát Công an TP.Hà Nội. Ảnh: P.V

"Trong quá trình lực lượng CSGT tuần tra có phương án xử "phạt nguội" và xử "phạt nóng" như vậy, tại đầu ra và đầu vào của các tuyến cao tốc, quốc lộ đều có tổ công tác, khi camera phát hiện xe vi phạm thì có thể xử lý tại đầu ra của tuyến đường luôn. Do đó, xe không chính chủ cũng sẽ bị xử phạt nóng".

Thượng tá Phạm Việt Công

Nhìn vào con số nêu trên, chắc nhiều người sẽ tin rằng, số trường hợp vi phạm còn lớn hơn gấp nhiều lần, nếu như các tuyến phố của Hà Nội lắp đặt nhiều camera hơn.

Cần khẳng định rằng, bất kỳ ai khi tham gia giao thông cũng đều chứng kiến hàng chục lỗi vi phạm trên đường của người điều khiển phương tiện. Thậm chí, có bóng dáng lực lượng CSGT trên các con đường, vẫn có nhiều tài xế không tuân thủ Luật Giao thông.

Đẩy mạnh công nghệ trong xử lý vi phạm

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả với kế hoạch Năm ATGT 2021 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự ATGT" từ cấp T.Ư đến tận cấp cơ sở ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021.

img

Đồng thời, thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong kế hoạch; phấn đấu kéo giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; khắc phục ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật từ T.Ư đến địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông.

img

Tăng mức phạt hành vi cố tình vi phạm

TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng, cụ thể là lực lượng Cảnh sát giao thông, các phương tiện giao thông cơ giới phải có biển số rõ ràng để phục vụ mục đích quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Do đó, với tài xế thì việc để biển số bị bẩn, che mờ... đều là hành vi vi phạm pháp luật. "Người điều khiển phương tiện không thể lấy bất cứ lý do gì để bao biện cho việc biển số xe bị che mờ, làm khuất"- TS Minh phân tích.

Đối với phương án xử lý xe che chắn biển số, TS Minh cho rằng, mức phạt hiện nay cho hành vi này như vậy là rất thấp, cần tăng lên cỡ 6 - 8 triệu đồng. Nếu dùng bất cứ vật gì che biển số thì đây là hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng hơn, vì bản chất đây là hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Nếu xác định rõ được chủ xe chủ ý dùng đồ vật che biển số, mức phạt cần cao hơn rất nhiều: 16 - 18 triệu đồng. Nếu phát hiện tái phạm, trong vòng 6 tháng mà lặp lại lỗi cố tình che biển số thì mức phạt cần được tăng cao hơn nữa 30 - 40 triệu đồng, thậm chí cao hơn nữa.

T.A

Mới đây, chỉ trong 2 tuần, triển khai hình thức phạt nguội ôtô dừng sai nơi quy định, Công an Hà Nội đã xử lý được hơn 500 trường hợp vi phạm. Đây mới là thử nghiệm tại 8 tuyến phố chứ chưa phải toàn thành.

Việc phạt nguội còn nhận được nhiều sự chú ý hơn, khi đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục CSGT, Bộ Công an, đề xuất đề án "đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" tại hội nghị thông tin về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 vừa qua.

Theo đại tá Bình, đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính, vừa được Cục CSGT trình lãnh đạo Bộ Công an để trình Chính phủ duyệt. Việc đầu tư hệ thống camera giám sát có các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn do Bộ Công an đầu tư cho Cục CSGT và công an các địa phương, các đề án do UBND các tỉnh đầu tư sau đó chuyển giao cho công an quản lý.

Tại Hà Nội, TP.HCM, nguồn vốn đầu tư lắp đặt camera của địa phương, một số tỉnh thành khác thì UBND tỉnh thuê thiết bị của một số đơn vị… Như vậy chúng ta lắp đặt các hệ thống khác nhau nhưng nếu không có chỉ đạo thống nhất thì tính kết nối, tính hệ thống rất khó khăn

"Do đó Chính phủ giao nhiệm vụ, theo lộ trình Cục CSGT tiến hành lắp đặt camera tại các tuyến quốc lộ và đang tập trung lắp đặt tại các tuyến cao tốc, trước mắt là tập trung Quốc lộ 1"- ông Bình nói.

"Phạt nguội" nhưng đừng để nguội

Đề xuất lắp đặt camera giám sát này đã nhận được nhiều sự đồng tình, nhưng cũng có một số ý kiến trái chiều bày tỏ không đồng ý chỉ với những lý do che đậy đi ý thức của bản thân của một số người như: "Lỡ tôi cho bạn mượn xe, chả lẽ tôi cũng bị phạt oan à?", hay "nhiều người che biển số hoặc dán băng dính đen lên biển số, biến số 3 thành số 8, lỡ trùng biển xe tôi, tự nhiên tôi bị phạt oan?"...

Theo các chuyên gia, việc phạt nguội còn giúp xoá bỏ nhiều tiêu cực khi xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông. Mọi tài xế đều bình đẳng trước camera mà không phân biệt biển đỏ hay biển xanh, người giàu hay nghèo, người có chức có quyền hay người có địa vị trong xã hội. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc phạt nguội không được để... quá nguội. Làm thế nào để không phải đợi đến 18 tháng sau khi hết hạn đăng kiểm xe mới có thể phạt người vi phạm.

Ủng hộ chủ trương phạt nguội nhưng anh Trần Văn Hoà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, cần có giải pháp để việc phạt nguội được thực hiện nhanh hơn, tránh tình trạng những nhiều người khi bị gọi lên nộp phạt phải ngớ người với những lỗi mình vi phạm từ cả năm trước. "Nhiều người mua lại xe cũ còn ngại sang tên đổi chủ, hoặc thủ tục sang tên chậm, lúc đó phải giải quyết thế nào nếu như chủ cũ vi phạm mà chủ mới phải nộp phạt?" - anh Hoà băn khoăn.

Trao đổi với PV Báo NTNN, thượng tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng Đăng ký xe (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết: "Đối với xe không chính chủ vi phạm giao thông thì vẫn xử phạt được".

Trong quá trình lực lượng CSGT tuần tra có phương án xử "phạt nguội" và xử "phạt nóng" như vậy, tại đầu ra và đầu vào của các tuyến cao tốc, quốc lộ đều có tổ công tác, khi camera phát hiện xe vi phạm thì có thể xử lý tại đầu ra của tuyến đường luôn. Do đó, xe không chính chủ cũng sẽ bị xử phạt nóng".

Theo thượng tá Phạm Việt Công, hiện nay, đang phát sinh các trường hợp che biển số để đi trên cao tốc và quốc lộ, Cục CSGT sẽ có chuyên đề kiểm tra những chiếc xe này đầu ra, đầu vào tuyến cao tốc mà không khớp sẽ bị cảnh báo, nếu xác định tùng khớp đúng xe vi phạm thì sẽ có chế tài xử phạt nóng tại chỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem