Tại buổi họp báo định kỳ chiều 4/1, ông Phạm Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (Trung tâm), Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay cầu Ba Son (quận 1, TP.HCM) đang khai thác bình thường, tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc tham quan để sơn, vẽ bậy.
Trung tâm đã có nhiều văn bản gửi UBND quận 1 và TP.Thủ Đức để đề nghị hỗ trợ việc tăng cường công tác tuần tra, đảm bảo an ninh khu vực, chống các hành vi sơn vẽ bậy, ăn cắp vật tư công trình cầu; vận động người dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại công trình cầu Ba Son.
Về giải pháp khắc phục, ông Hải cho biết sẽ bổ sung hệ thống camera quan sát giao thông tại các vị trí dưới các dạ cầu có giao thông thủy theo Quyết định số 696/QĐ-SGTVT ngày 7/7/2023.
Cụ thể, đối với cầu Ba Son sẽ lắp đặt 5 camera tại khu vực dạ cầu để theo dõi việc tàu thuyền đi lại và việc đi lại tham quan của người dân tại khu vực công viên dưới dạ cầu. Đồng thời, theo dõi các đối tượng xấu lợi dụng việc tham quan để sơn vẽ bậy. Hiện nay trung tâm đang trong quá trình thực hiện dự án này, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2024.
Ông Hải cho biết thêm, dự án sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn đã được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt. Dự án sẽ sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn nhằm đảm bảo điều kiện khai thác bình thường của công trình và mỹ quan đô thị.
Dự án sẽ sử dụng sơn chuyên dụng chống vẽ bậy, trường hợp nếu có sơn vẽ lên chỉ cần dùng vải lau qua là sạch. Dự án này sẽ được thực hiện vào quý 2/2024.
Công nhân đang xóa hình vẽ bậy trên cầu Ba Son. Ảnh: Vũ Quyền
Trung tâm đề xuất UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường lực lượng tuần tra, bắt xử lý theo pháp luật các đối tượng sơn vẽ bậy trên các công trình bằng các hình thức như phạt tiền; khắc phục hậu quả, cụ thể như sơn lại các vị trí đã vẽ trả lại hiện trạng ban đầu.
Từ đó tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng đến từng người dân không được phá hoại tài sản nhà nước. Trung tâm đề xuất lắp các biển tuyên truyền cấm sơn bậy bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại một số vị trí trên cầu, đồng thời ghi chú mức phạt nếu vi phạm.
Nhanh chóng trả lại hầm cho người đi bộ
Thông tin thêm tại họp báo, ông Phạm Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ cho biết, các công trình cầu bộ hành, hầm đi bộ được xây dựng nhằm phục vụ cho người dân băng đường đảm bảo an toàn, kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tụ tập, xả rác… trên một số cầu bộ hành, hầm đi bộ trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra.
Về giải pháp, ông Hải cho biết trung tâm sẽ yêu cầu Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM thường xuyên báo cáo tình hình mất an ninh trật tự tại khu vực hầm để Trung tâm đường bộ, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý. Lắp đặt các biển cảnh báo “Khu vực hầm đi bộ. Cấm tụ tập, buôn bán trong khu vực hầm” tại các cửa lên xuống hầm để người dân biết và tuân thủ theo quy định. Tăng cường công tác vệ sinh các cầu, hầm đi bộ thuộc phạm vi do trung tâm thực hiện.
Theo ông Hải, đối với địa phương, cần chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra xử lý triệt để đối với việc người dân tập kết vật tư xây dựng, tập kết rác, lấn chiếm xung quanh cầu, hầm đi bộ làm nơi kinh doanh buôn bán… tạo thông thoát cho khu vực cầu, hầm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi bộ qua hầm an toàn.
Công an các quận huyện, TP.Thủ Đức thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý đối với các đối tượng tập trung ngủ, sinh hoạt, hút chích… (nếu có) trong khu vực cầu, hầm đi bộ. Phối hợp với Trung tâm gắn các bảng công bố số điện thoại đường dây nóng tại các cửa lên xuống hầm để người dân, lực lượng trực gác cầu… thông báo kịp thời để phối hợp xử lý.
Công an các quận huyện, TP.Thủ Đức bố trí các chốt an ninh trật tự (chốt dân phòng) tại khu vực các hầm để phát hiện xử lý kịp thời tình trạng mất an ninh trật tự, bảo vệ người dân đi bộ qua hầm đường an toàn; xem xét lắp đặt camera an ninh để theo dõi, nhanh chóng xử lý tình trạng mất an ninh tại khu trật tự vực cầu, hầm đi bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.