Lập đề án hạn chế lao động bỏ trốn

Thứ tư, ngày 12/10/2011 19:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) nói về giải quyết khả năng mất thị trường lao động Hàn Quốc và sự khó khăn của các thị trường lao động còn lại.
Bình luận 0

Ông Hải cho biết: Năm 2011, Chính phủ giao chỉ tiêu XK 85.000 lao động nhưng cũng năm này chúng ta chịu nhiều tác động như sự cố Libya, động đất và sóng thần ở Nhật Bản; tạm dừng kỳ thi tiếng Hàn...

img
Lao động Việt Nam làm việc tại Busan (Hàn Quốc).

Vậy liệu kế hoạch của năm nay có thể hoàn thành không, thưa ông?

img
Ông Đào Công Hải

- Nếu nhìn lại kết quả đạt được với hơn 67.000 lao động đã xuất cảnh, cho thấy chúng ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn và chuyển hướng sang một số thị trường lao động khác. Thông thường, quý 4 hàng năm, các doanh nghiệp phải thực hiện hết hợp đồng, chúng tôi hy vọng mỗi tháng đạt được 7.000 - 9.000 chỉ tiêu thì 3 tháng cuối năm vẫn đạt được chỉ tiêu đề ra. Mặt khác, các thị trường Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản đang có những dấu hiệu tích cực.

Thực tế thị trường Hàn Quốc vẫn là thị trường lớn nhưng đang có nguy cơ bị “đóng cửa”, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Bộ LĐTBXH có những kế hoạch gì để giữ thị trường này?

- Với thị trường Hàn Quốc, trước năm 2004, chúng ta đã tham gia đưa lao động sang tu nghiệp sinh. Đến nay, có 15 quốc gia tham gia Chương trình EPS, cung ứng lao động cho Hàn Quốc. Đáng buồn là Việt Nam lại bị xếp ở vị trí có lao động bỏ trốn nhiều nhất.

Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng “Đề án hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc”. Vừa qua, chúng tôi cũng đã làm việc với từng địa phương có nhiều lao động bỏ trốn để vận động người nhà, động viên lao động về nước.

Tôi nhớ, vào tháng 8.2003, khi Việt Nam chưa thực hiện Chương trình EPS với Hàn Quốc đã có khoảng 40.000 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó Việt Nam có khoảng 4.000 lao động. Nước bạn đã thực hiện tổng kiểm tra và đưa toàn bộ số lao động này về nước. Động thái cuối cùng của đợt này, nếu lao động bỏ trốn không về nước, phía bạn sẽ thực hiện tổng kiểm tra, lao động sẽ bị bắt, buộc phải về nước và không còn cơ hội được thụ hưởng chính sách XKLĐ nữa.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện một số thị trường truyền thống như Malaysia và Trung Đông có mức lương chưa thực sự cách biệt với Việt Nam dẫn đến khó tạo nguồn?

- Hiện nay, mức thu nhập trung bình của lao động ở trong nước khoảng 2 triệu đồng/tháng. Sang Malaysia, tiền sinh hoạt chủ sử dụng đều lo hết, thu nhập trung bình 3,5 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu nói thu nhập thấp mà lao động không đi Malaysia là không phải, chúng ta vẫn có khoảng 80.000 lao động đang làm việc tại thị trường này.

Khi chúng tôi sang khảo sát thấy có một thực tế, nhiều lao động nữ tiết kiệm rất tốt, còn lao động nam lại tiêu rất hoang nên không có tiền tiết kiệm. Còn nếu vì thu nhập thấp mà dẫn tới không đủ sống, tôi đảm bảo là lao động của ta cũng đã về nước hết, không còn ở bên nước bạn tới mức cao như hiện nay.

Theo tôi, người lao động cần xem lại bản thân có hành trang như thế nào, điều kiện tài chính ra sao, đi từng bước để đảm bảo vững chắc. Tôi ví dụ nếu đi các thị trường đơn giản như Malaysia, sau 3 năm có tay nghề và trình độ thì có thể đi các thị trường đòi hỏi cao như Đài Loan, Hàn Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem