Lập Tổng cục Quản lý thị trường: Biên chế ở Bộ tăng lên?

Phi Long Thứ tư, ngày 17/10/2018 17:49 PM (GMT+7)
Chiều 17.10, Bộ Công Thương đã chính thức trả lời những thắc mắc của báo chí về việc nâng Cục Quản lý thị trường lên thành Tổng cục Quản lý thị trường có mâu thuẫn với chủ trương của bộ này đang triển khai tinh giản bộ máy.
Bình luận 0

img

Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường có mâu thuẫn với yêu cầu tinh gọn bộ máy? (Ảnh: TX)

Không tăng biên chế!

Trả lời câu hỏi của báo chí về lý do nâng Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, gian lận thương mại ngày càng phức tạp. Trước đây, gian lận thương mại chỉ mang tính cục bộ huyện, xã, một địa phương... thì những năm gần đây, gian lận thương mại nói chung và buôn lậu nói riêng… diễn ra ở nhiều khu vực và địa bàn cũng rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Điển hình như các vi phạm bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng. Do vậy, đòi hỏi phải có tổ chức lại bộ máy quản lý làm sao phản ứng kịp thời hơn.

Theo ông Linh, thương mại điện tử hiện nay cũng có nhiều vi phạm, thậm chí các vi phạm còn xuyên biên giới. Mô hình cắt khúc địa phương cũng đòi hỏi có những quản lý mới, do đó cũng cần thay đổi tư duy quản lý thị trường để chống lại hành vi gian lận thương mại.

“Trong chống gian lận thương mại, quản lý thị trường là chủ công phối hợp với biên phòng, hải quan… Mà tất cả các lực lượng trên đều đã hoạt động theo ngành dọc, từ đó đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cũng phải hoạt động theo ngành dọc cho phù hợp”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo ông Linh, Tổng cục Quản lý thị trường theo mô hình mới sẽ có 63 chi cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, nay chuyển thành Cục Quản lý thị trường.  Biên chế đương nhiên có tăng lên ở Bộ Công Thương, song ở địa phương lại giảm đi nên chắc chắn số lượng biên chế sẽ vẫn giữ nguyên, chỉ là chuyển từ địa phương về Bộ.

Cũng theo ông Linh, trước mắt, Bộ Công Thương ra quyết định giảm 164 đội QLTT. Lộ trình đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm  tới 375 đội Quản lý thị trường. Do đó, mỗi đội phải phụ trách hơn 1 địa bàn cấp huyện và tiến tới năm 2019 xây dựng phương án cấp Cục quả lý thị trường liên tỉnh. Mục đích cuối cùng là để công tác kiểm tra xử lý vi phạm gian lận thương mại sẽ được làm tốt hơn.

Cũng liên quan tới vấn đề thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: Ngày 8.3.2016,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Có hiệu lực thi hành từ 1.9.2016, Pháp lệnh quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.

Tiếp đến, ngày 10.8.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành  Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12.10.2018.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, trước đây có 63 đầu mối quản lý thị trường ở địa phương và Cục Quản lý thị trường ở Bộ Công Thương là 64 đầu mối. Do đó, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường thực tế sẽ tinh gọn lại và có số đầu mối giảm đi, không có gì mâu thuẫn với tinh thần giảm đầu mối cũng như bộ máy của Bộ Công Thương. Trước mắt giữ tinh gọn quản lý thị trường, số đầu mối giảm đi. Đầu mối và nhân sự không tăng, thậm chí còn giảm.  

Quản lý thị trường địa phương đang lúng túng

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Trường – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn chia sẻ: “Đương nhiên do mới nên có vướng mắc nhiều. Ngành thị trường nói chung trong toàn quốc đang nâng cấp, tổ chức bộ máy, cần có thời gian. Nhưng tôi nghĩ, ngành quản lý thị trường sẽ nhanh chóng ổn định hoạt động”, ông Trường nói.

Còn ông Lê Khánh Hưng – Quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng: Hiện tại, Bộ Công Thương mới giao quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho các địa phương. Do đó, ở Kiên Giang cũng mới bắt đầu có con dấu và chưa hoạt động ổn định.

“Đến nay, Cục quản lý thị trường Kiên Giang đã thống nhất và thông báo trên email chữ ký, chức danh nhưng chưa nhận được quyết định chính thức các quyết định bổ nhiệm đối với các Đội trưởng. Do đó, hoạt động chủ yếu là tuần tra, giám sát, nắm tình hình đối tượng. Việc kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm nếu có còn phải đợi quyết định đến tay mới thực hiện”, ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận thì cũng như cũ nhưng những việc muốn làm mà chưa có thẩm quyền thì tạm thời chỉ giám sát. Các đội trưởng Đội quản lý thị trường muốn triển khai cũng phải đợi văn bản chính thức, hiện đã gửi đường bưu điện, mất một vài ngày mới nhận được.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, quy hoạch của Cục quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang hiện tại đã rút gọn từ 13 đội xuống 10 đội, nhân sự vẫn giữ nguyên trạng. Tuy nhiên, đối với các Phó Cục trưởng thì chưa thấy có quy trình bổ nhiệm, cũng giống như ở trên Tổng cục Quản lý thị trường chưa có Phó Tổng cục trưởng. “Để hoạt động ổn định cần phải có một khoảng thời gian nữa”, ông Hưng nói.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, ngày 16.10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo các Sở ban ngành đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP.Đà Nẵng.

Ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thưuơng đã bức xúc thông tin việc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc đơn vị này đã bất ngờ được sáp nhập về Bộ Công thương. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành thị trường của địa phương.

Liên quan đến thông tin trên, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: “Việc sáp nhập Chi cục QLTT về Bộ Công Thương đơn vị này không hề biết thông tin cho đến khi có quyết định. Khi có quyết định rồi, địa phương chỉ biết phải thực hiện theo”.

Về việc Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng bất ngờ được sáp nhập về Bộ Công Thương, Bí thư Đà Nẵng khẳng định sẽ có văn bản gửi Chính phủ và cả Quốc hội để làm rõ việc ai sẽ quản lý được thị trường của Đà Nẵng khi thiếu vai trò của địa phương.

“Lực lượng QLTT phải nắm được địa bàn của địa phương đó mà nay lại về Bộ. Sắp tới sẽ có văn bản gửi Chính phủ, gửi cả Quốc hội để làm rõ vấn đề này. Một nghị định được ban hành nhưng không hỏi han ai, không hỏi ý kiến địa phương. Không biết do Bộ Công Thương không nắm rõ quy trình hay cho rằng đó là quyền của Bộ Công thương nên cứ thế làm. Thời gian tới nếu thị trường của Đà Nẵng bết bát thì người dân sẽ truy lãnh đạo thành phố mà không truy Bộ Công thương”, Bí thư Đà Nẵng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem