Lật lại những góc khuất trong hồ sơ đảo chính Ngô Đình Diệm

Thứ sáu, ngày 21/12/2018 14:33 PM (GMT+7)
Đảo chính năm 1960 là cuộc đảo chính chính thức đầu tiên ngay trong nội bộ thể chế do Ngô Đình Diệm nắm quyền. Cuộc đảo chính không có nền móng vững chắc đã nhanh chóng thất bại nhưng dư âm của nó còn kéo dài cho đến 1963 và nói không ngoa, góp phần làm sụp đổ chính quyền họ Ngô. Vì sao vậy?
Bình luận 0

img

Đám tang nhà văn Nhất Linh

Dĩ nhiên sau đảo chính, kẻ nào được xem là có công với chính quyền trong lúc nước sôi lửa bỏng sẽ được cất nhắc, tưởng thưởng lên những vị trí cao hơn cả thực lực của họ. Còn cá nhân, tập thể hoặc trung dung, hoặc bị xem là phản đồ, thì không tránh khỏi bị bắt bớ, đàn áp. Cũng nhân sự kiện này, chính quyền Diệm tranh thủ lấy cớ để tung mật vụ  tìm bắt giam các nhân sĩ, lãnh tụ đảng phái, giáo phái khác bất đồng chính kiến với chính quyền.

Bắt bớ, tù đày và xét xử

Sau vụ 11.11.1960, chính quyền Diệm vẫn yên trí vụ đảo chính này có bàn tay của Pháp dính vào. Căn cứ theo báo cáo, Ngô Đình Diệm cho rằng sở dĩ quân đội thực hiện bởi “mấy đứa nhỏ bị nó lôi kéo, tất cả do Vương Văn Đông bị Pháp mua chuộc”.

Đồng thời, lo ngại việc bắt bớ, xét xử sẽ làm bất ổn quân đội, nên vụ án đảo chính hụt được chính quyền Diệm tạm thời gác lại.

Nhóm Caravelle gồm Trần Văn Tuyên, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương… trước khi đảo chính diễn ra, đã họp nhau tại khách sạn Caravelle, ra kháng thư ngày 26.4.1960 (còn gọi là Tuyên ngôn Caravelle) yêu cầu Chính phủ Diệm thay đổi chính sách cai trị, nhân sự trong bộ máy lãnh đạo.

Dĩ nhiên là họ bị xem như những kẻ ngáng đường, gây khó dễ cho chế độ Tổng thống Diệm song thời điểm ra kháng thư ấy, các nhân sĩ trong nhóm này vẫn bình yên vô sự.

Sau khi cuộc đảo chính vỡ tan như bong bóng xà phòng, nhiều nhân sĩ, trí thức bị chính quyền “hỏi thăm”, bắt giam. Lý do phải vào khám ăn cơm tù của nhóm Caravelle bởi họ có tên trong danh sách những người tham gia cuộc đảo chính. Oái oăm ở chỗ danh sách này, là danh sách ủng hộ tài chính cho các hoạt động của phe đảo chính, vì thế mà các thành viên bị liên lụy.

Sau đảo chính không lâu, nhiều nhân sĩ bị tạm giam, xét hỏi và đa phần sau khi khai xong được cho về. Nhưng họ không biết rằng gần 3 năm sau, lại được chính quyền nhớ tới một lần nữa trong vụ án về đảo chính hụt kia.

Phiên tòa tháng 7.1963

Phiên tòa xét xử nhóm Caravelle và những phần tử đảo chính ngày 11.11.1960 diễn ra, thật không đúng thời điểm chút nào, thậm chí là thất lợi cho chính quyền của Diệm.

Bởi trước đó không lâu, vụ cấm treo cờ Phật giáo trong lễ Phật đản đã dẫn tới việc đàn áp, bắt bớ tín đồ, sư sãi Phật giáo diễn ra tại Huế dịp tháng 5 rồi lan khắp miền Nam, gây nên cuộc đấu tranh tôn giáo được cả thế giới quan tâm, và hầu hết đều lên án cách đối xử bạo lực của anh em Diệm – Nhu đối với Phật giáo, còn những phật tử, thì xem năm này là năm Pháp nạn. Đỉnh điểm của xung đột ấy, là hình ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức biến mình thành ngọn đuốc sống ngày 11.6.1963.

Vấn đề Phật giáo chưa lắng xuống, thì chính quyền Diệm lại đem vụ án đảo chính 3 năm trước ra xét xử. Bác sĩ Trần Kim Tuyến, một bề tôi trung thành của chính quyền Diệm khi nhìn lại sự kiện này, xem đó là một quyết định vụng về, chẳng khác gì lửa đang cháy mà cho thêm dầu vậy.

Phiên tòa diễn ra đầu tháng 7.1963, những quân nhân, chính khách dính líu tới cuộc đảo chính gần 3 năm trước, người bị tử hình, kẻ nhận án chung thân khổ sai, kẻ được tha bổng. Nhưng án tử hình chẳng ai chết cả, vì án ấy chỉ xử những người vắng mặt. Riêng các nhân sĩ nhóm Caravelle đều được tòa tha bổng.

img

Khách sạn Caravell

Phiên tòa xét xử vụ đảo chính 11.11, Chánh án Huỳnh Hiệp Thành được chỉ định làm Chánh thẩm, Trung tá quân pháp Lê Nguyên Phu ngồi ghế Ủy viên Chính phủ.

Với vụ án này, Diệm lệnh cho Phu phải làm sao quyết được 2 cái án tử hình. Rõ là phải có kẻ chịu trách nhiệm cao nhất đối với vụ binh biến bất thành này. Phiên tòa diễn ra từ ngày 5.7 đến ngày 12.7. Bị cáo gồm 19 quân nhân và 34 nhân sĩ.

Theo đúng chỉ thị của Diệm, sau thời gian hỏi cung, tranh biện, án tử hình được tuyên, không chỉ hai mà tới ba bị can lĩnh án tử hình. Chỉ có điều đó toàn là án tử hình… vắng mặt mà thôi. Đó là Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông và luật sư Hoàng Cơ Thụy. Qua lời buộc tội, Lê Nguyên Phu cho rằng các nhân sĩ tham gia vụ 11.11 đa phần “a dua chạy theo đón gió”.

Cái chết của Nhất Linh

Nhất Linh vào miền Nam sống từ năm 1951, và chủ yếu hoạt động văn hóa. Trong cuộc đảo chính hụt ngày 11.11, Nhất Linh có tham dự vào nội tình bấy giờ khi đứng tên trong tờ truyền đơn lên án chế độ Ngô Đình Diệm, đồng thời một số cán bộ trẻ của Việt Nam Quốc dân đảng có liên đới.

Trong khi đó Nhất Linh cũng đã tham dự vài phiên họp với Phan Khắc Sửu và một vài nhân sĩ ở miền Nam. Khi đảo chính thất bại, Nhất Linh đã vào tị nạn tại tòa đại sứ của Trung Hoa Dân quốc. Sau đó, chính quyền Diệm chỉ lấy lời khai của ông mà không giam giữ.

Tuy nhiên, sau ngày ấy nhà của Nhất Linh được quan tâm đặc biệt, mật vụ theo dõi nhất cử nhất động cùng những nhân vật ra vào tư gia của ông.

Ngày 5.7.1963 Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi Nhất Linh phải có mặt lúc 7giờ30 ngày 8.7.1963 tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý, Sài Gòn để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Nhưng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Nhà văn của những " Đoạn tuyệt"

Thế rồi một buổi chiều, Hai buổi chiều vàng… trút hơi thở cuối cùng êm nhẹ ngay trên chiếc ghế xích đu nhà mình ngày 7.7.1963 sau khi uống rượu pha thuốc độc.

Cái chết của Nhất Linh thực sự là một bất ngờ, và gây xúc động mạnh đến ngay cả Diệm. Nghe tin ấy, Diệm đã nói với Bộ Trưởng Thuần: “Việc có gì đâu mà phải làm như vậy... ra Tòa rồi thì cũng tha bổng cho ông ấy”. Còn Ngô Đình Nhu thì nghi ngờ phải chăng có bàn tay nào đó đã ám sát Nhất Linh.

img

 Anh em Diệm-Nhu

Ngay trong ngày hôm sau, cảnh sát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải điều tra rõ ràng xem đây là một vụ tự tử hay ám sát chính trị. Trùng hợp làm sao, ngày Nhất Linh mất, chính là ngày kỷ niệm 9 năm Ngô Đình Diệm nhậm chức ở miền Nam -một điềm báo không hề tốt lành chút nào cho chế độ của Diệm.

Cái chết của Nhất Linh ngay lập tức lan khắp Sài Gòn, gây nên dư luận đặc biệt trong giới trí thức và báo giới Sài Gòn. Dĩ nhiên là kèm theo đó, sự công kích với chính quyền Diệm càng tăng cao. Ngày 13/7 là ngày đưa đám tang Nhất Linh từ bệnh viện Đồn Đất qua Chùa Xá Lợi rồi trở về nơi yên nghỉ tại nghĩa trang Bắc Việt.

Các cơ quan an ninh chìm nổi  và Tổng nha Cảnh sát Công an hoạt động hết sức vất vả. Hàng ngàn sinh viên thuộc nhiều phân khoa Đại học tại Sài Gòn đã tự động đến chùa Xá Lợi đón linh cữu Nhất Linh. Nhiều thành phần thuộc Công Giáo cũng có, Phật Giáo cũng tham gia, sự bất mãn với nền Đệ nhất Cộng hòa được thể hiện rõ.

Việc đưa vụ án 11.11.1960 ra xét xử ngay sau vụ đàn áp Phật giáo chưa kịp lắng xuống, chính quyền của Diệm đã tự đẩy mình rời xa dân chúng miền Nam hơn bao giờ hết. Đám lửa bất mãn với chế độ Ngô Đình Diệm lại thêm lan rộng để rồi cuối năm 1963, được quan thầy Mỹ bật đèn xanh, một cuộc đảo chính tiếp theo được thực hiện, và lần này, anh em Diệm – Nhu không còn mảy may cơ hội sống sót…

PV (Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem