Nạn nhân không chết nếu được xếp chỗ trong toa
Có mặt tại hiện trường ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi rùng mình khi chứng kiến đầu máy tàu LC1 đỏ sẫm nặng hàng trăm tấn đang chúi xuống ruộng bùn.
|
Hiện trường đầu tàu LC1 trật bánh rơi xuống ruộng |
Điểm xảy ra tai nạn là km 195+950 thuộc địa bàn xã Mậu Đông (Văn Yên, Yên Bái). Hành khách trên chuyến tàu bị lật í ới gọi nhau, lật áo, xoa đầu, trấn an tinh thần, hỏi han rầm rĩ.
Anh Trịnh Văn Thân (Bát Xát, Lào Cai) là hành khách đi tàu ở toa số 5, cho biết: Tôi đang ngủ thì thấy tàu rung lên, xóc mạnh rồi khựng lại. Chưa kịp hiểu ra sự việc gì nhưng tất cả cứ ầm ầm như chợ vỡ, vội đánh thức vợ, con dậy, vọt ra khỏi toa. Khi thấy toa tàu của mình không lật nữa mới dám quay sang hỏi han nhau.
Chuyến tàu này khởi hành tại Hà Nội vào hồi 22 giờ 5 ngày 5-9, gồm 1 đầu máy và 15 toa xe, vận chuyển 462 hành khách do lái tàu Bùi Văn Thêm điều khiển. Đoạn đường sắt gần đến km196 là khu vực rất nguy hiểm, một bên là taluy âm có vực sâu và một bên là sườn núi dốc đứng.
Tàu đâm vào một đống đất do sạt lở núi và chệch khỏi đường ray, đầu tàu bị đứt rời lao xuống ruộng lúa bên taluy âm, kéo theo toa điện và toa hành lý liền kề bị đổ nghiêng.
Nạn nhân tử vong là bà Khương Thị Thịnh, 56 tuổi và cháu Đinh Thu Phương 9 tháng tuổi - trú tại khu phố 1 thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, vừa lên tàu chừng 30 phút. Do 2 bà cháu ngồi ở đoạn tiếp giáp giữa toa số 1 và toa hành lý nên khi đầu tàu lật thì bị văng khỏi tàu dẫn đến tử vong tại chỗ.
Một hành khách than thở: Nếu công tác tuần tra, kiểm soát đường ray thường xuyên, liên tục và bố trí hành khách ngồi đúng chỗ thì đã tránh được tai nạn này!
Quy trình không đảm bảo an toàn 100%
Hôm qua (6-9), NTNN đã trao đổi với ông Phạm Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt về những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra gần đây.
Thưa ông, vì sao thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tai nạn đường sắt?
- Theo những thông tin ban đầu, vụ lật tàu ở Yên Bái nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa, bão khiến taluy cạnh đường sắt đổ xuống làm hỏng đường ray. Việc tuần đường vẫn được thực hiện thường xuyên nhưng không thể phát hiện kịp thời sự cố. Đây là nguyên nhân khách quan, khó tránh khỏi.
Còn các vụ tai nạn ở Hà Nam trước đó một phần là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Các lái xe đi trên các đường ngang qua đường tàu tất nhiên là không muốn xảy ra tai nạn nhưng nhiều khi họ chủ quan, không lường được hết hậu quả. Việc xảy ra các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp gần đây đúng là xảy ra với tần suất lớn, gây nhiều lo lắng cho người dân. Quy trình đảm bảo an toàn đường sắt vẫn được vận hành đầy đủ. Tuy nhiên quy trình này vẫn không thể đảm bảo 100% không xảy ra tai nạn.
Ngành đường sắt đã có giải pháp gì để đảm bảo an toàn vận chuyển?
- Sau vụ tai nạn đường sắt ở Duy Tiên, Hà Nam, chúng tôi đã kết hợp họp với cơ quan chức năng ở địa phương để tìm cách khắc phục. Tại điểm này, chúng tôi đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng vệ, có thể từ hệ thống đèn và còi báo được nâng lên hệ thống gác chắn...
Hiện tại, Cục đang cùng Tổng công ty Đường sắt thực hiện giai đoạn II dự án cải thiện hệ thống đường ngang trên toàn tuyến. Trong đó đang tập trung làm hệ thống đường gom dân sinh để dẫn tới những đường ngang an toàn, góp phần khắc phục các điểm đen tương tự. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường tuyên truyền về an toàn đường sắt để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Thanh Nghị - Hồ Thường
Những vụ tai nạn đường sắt gần đây
- Ngày 6-8-2010, tại Duy Tiên (Hà Nam) tàu hoả đâm vào xe tải, 3 toa tàu TN bị lật nghiêng, lái tàu bị thương nặng, hàng chục chuyến tàu phải huỷ.
- Chiều 27-7-2010, tại điểm giao cắt đường bộ - đường sắt ở Ngọc Hồi (Hà Nội), taxi chở 5 người bị tàu hỏa đâm, 3 người chết tại chỗ.
- Trưa 22-11-2009, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), xe khách 30 chỗ đang chở một đám ăn hỏi qua đường ngang giao cắt với đường sắt đã bị tàu hỏa TN1 đâm, 9 người chết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.