Thiếu cát làm đường cao tốc ở ĐBSCL: Lấy "cát biển" sẽ gây hệ lụy gì? (Bài 2)

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 06/02/2023 06:05 AM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng ĐBSCL không có "cát biển", việc lấy đi nguồn cát này là ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng và việc làm này chẳng khác nào "tự ăn thịt mình".
Bình luận 0

ĐBSCL không có "cát biển"

Liên quan đến việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho dự án đường cao tốc và các dự án hạ tầng giao thông khác khu vực ĐBSCL, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cho biết, ĐBSCL không có "cát biển".

Thiếu cát làm đường cao tốc ở ĐBSCL: Lấy "cát biển" sẽ gây hệ lụy gì? (Bài 2) - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Thiện, thời gian qua, người thấy cát nằm ngoài biển nên gọi là "cát biển". Tuy nhiên, cát đó là cát do sông mang ra chứ không phải cát do biển tự tạo ra.

"Biển ở đây không tự tạo cát được. Cát này là từ sông Mê kông mang ra. Trong quá trình bồi đắp kiến tạo đồng bằng, cát luôn đi trước để lót nền, rồi sau đó bùn mới bồi lên dần dần. Trong quá trình kiến tạo đồng bằng trong 6.000 năm qua, ĐBSCL tiến ra hướng biển Đông trung bình 16m/năm theo cách này" - ông Thiện nói.

Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc là rất quan trọng, tháo nút thắt cổ chai của nền kinh tế ĐBSCL, tạo sức bật cho sự phát triển nơi đây. Bây giờ chúng ta rơi vào thế rất khó vì thiếu cát để làm đường, đặc biệt là cát san lấp nền đường.

Cát sông Mê Kông sẽ không còn về nữa, vật liệu thay thế thì chưa có, nhưng lấy cát biển đồng nghĩa với làm ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng, việc làm này chẳng khác nào mình "tự ăn thịt mình" và chắc chắn sẽ gây gia tăng sạt lở.

Lòng sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL bị hạ thấp

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng, trong tương lai cát sông Mê Kông không còn về nữa. Ông giải thích rằng cát là vật liệu nặng di chuyển dưới đáy sông và chỉ di chuyển được khi có dòng chảy mạnh. Chỉ những năm lũ lớn, chảy mạnh thì cát di chuyển được trong 3 tháng là tháng 7, 8, 9. Đến tháng 10 cát dừng lại chờ mùa lũ năm sau đi tiếp.

Thiếu cát làm đường cao tốc ở ĐBSCL: Lấy "cát biển" sẽ gây hệ lụy gì? (Bài 2) - Ảnh 2.

Cát sông Mê Kông không về, kết hợp với việc khai thác quá mức sẽ dẫn đến nhiều vụ sạt lở. Trong ảnh, vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) xảy ra vào tháng 12/2022 gây thiệt hại 35 tỷ đồng. Ảnh: Huỳnh Xây

Nhưng nếu năm sau lũ nhỏ thì cát không đi tiếp nổi xuống. Trong một năm lũ lớn thì cát di chuyển được khoảng 200 km (trong 3 tháng đầu mùa lũ), như vậy cát phải đi vài chục năm mới vượt qua đoạn đường 3.000-4.000 km về tới ĐBSCL.

Bây giờ đã có các đập thủy điện chắn ngang sông Mê kông thì cát đã bị chặn lại 100%. Cát không có cách nào vượt qua được đập thủy điện để đi xuống bên dưới. Dù có mở cửa xả đáy cho cát di chuyển xuống cũng không được, vì cát đã bị lắng đọng ở đầu hồ cách đập thủy điện cả trăm km phía thượng lưu.

Trong những năm gần đây, còn một số ít cát trôi về ĐBSCL trong mùa lũ là số cát đã "khởi hành" mấy chục năm trước, đã vượt qua vị trí các đập và đang trên đường tiếp tục đi xuống. Còn cát nào ở trên phía thượng lưu đập thì sẽ hoàn toàn bị kẹt lại.

Trên sông Mê kông thì phía Campuchia khai thác sẽ tạo ra những hố sâu, cát ở trên trôi về sẽ rơi vào hố sâu đó và sẽ không xuống ĐBSCL được nữa. Trước tình trạng thiếu cát ở ĐBSCL, một số doanh nghiệp nhập cát sông Mê Kông từ Campuchia về. Việc này càng làm cho cát nhanh cạn kiệt ở Campuchia trước khi trôi về ĐBSCL và càng tạo ra nhiều hố sâu bên đó.

Tình trạng trên sẽ khiến các con sông đói cát. Ngoài ra, việc khai thác quá mức làm cho các lòng sông lớn như sông Tiền, sông Hậu bị hạ thấp dẫn đến lòng sông các sông nhỏ kế cận bị thấp xuống theo thời gian và sạt lở sẽ lan tỏa khắp nơi.

Theo ông Thiện, cát ở ĐBSCL cung cấp chẳng những cho nội vùng mà còn cho TP.HCM và một số tỉnh miền Đông. Nếu lấy tổng lượng cát được cấp phép khai thác chia cho tổng nhu cầu san lấp và xây dựng sẽ thấy rằng lượng cát có phép là rất nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 15-20%. Điều đó chứng tỏ có một lượng cát rất lớn vẫn được khai thác liên tục trong nhiều năm qua và không có trong số liệu khai thác cát.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng nhu cầu cát đối với các dự án đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 47,81 triệu m3. Riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, đến nay mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Do vậy, ngoài việc nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép ở ĐBSCL, mở mỏ cát mới để khai thác, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho dự án đường cao tốc và các dự án hạ tầng giao thông khác khu vực ĐBSCL. Dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem