Lấy chồng ngoại để đổi đời?

Thứ hai, ngày 25/04/2011 16:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phần lớn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài vì muốn đổi đời. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, do Bộ LĐTBXH tổ chức cuối tuần qua, tại Cần Thơ.
Bình luận 0

Thứ trưởng thường trực Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, từ năm 1995 đến ngày 31.12.2010, cả nước có trên 257.500 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó 80% trường hợp là phụ nữ.

Và phần lớn các phụ nữ này chọn chồng là công dân Đài Loan, Hàn Quốc. Lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài tập trung nhiều nhất ở TP.HCM, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hậu Giang, chiếm đến 47% trong tổng số cả nước.

img
Các cô gái tham gia một vụ “xem mặt cô dâu Việt” bị công an phát hiện tại TP.HCM.

Mong kiếm việc, mau giàu...

Cũng theo đại diện Bộ LĐTBXH, đại đa số các cuộc hôn nhân đó là vì kinh tế, không tình yêu. Ông Đỗ Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh thêm:

“Trào lưu phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì kinh tế đã làm biến đổi chuẩn mực xã hội, làm thay đổi quan niệm về giá trị của hôn nhân trong một bộ phận người dân. Đó là một biểu hiện sai lệch, đã đẩy không ít cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo biến cuộc hôn nhân của đời mình thành phương tiện giúp bản thân và gia đình thoát nghèo”.

Theo kết quả khảo sát xã hội học, có tới 31% cô dâu lấy chồng Đài Loan để kiếm việc làm và tăng thu nhập; 15,6% muốn kiếm chồng giàu để giúp đỡ gia đình và nhiều lý do khác như thực hiện mơ ước của cha mẹ, đổi đời...

Đa số chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài đều xuất thân nghèo khó, trình độ học vấn thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học lao động và xã hội, 1/3 phụ nữ lấy chồng nước ngoài có hoàn cảnh nghèo, mức thu nhập không đủ sống; 3/4 xuất thân từ gia đình có từ 5 con trở lên; 56% có trình độ từ tiểu học trở xuống, rất ít trường hợp có trình độ cao đẳng, đại học.

Và họ đã chấp nhận những cuộc hôn nhân qua môi giới chứ không xuất phát tình yêu: Chỉ có 7% phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì tình yêu và có tới 60% các cuộc hôn nhân này là qua hệ thống môi giới tư nhân bất hợp pháp.

Nhiều người vỡ mộng

Theo khảo sát của Bộ Ngoại giao được công bố tại hội nghị, những người đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam hầu hết đều sống ở nông thôn, độ tuổi từ 30-35 (một số 60-70 tuổi). Do đó, thu nhập của họ ở mức trung bình hoặc thấp, nhiều người bản thân khiếm khuyết (nhiều lần ly hôn, khuyết tật, sức khỏe yếu…). Những người này khó lấy vợ bản xứ nên phải lấy vợ… nước ngoài.

Chính vì thế không ít cô gái Việt Nam đã vỡ mộng vì lấy phải chồng nghèo khó hoặc bị môi giới lừa đảo, bị bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục, hành hạ, đánh đập… thậm chí dẫn đến một số cái chết thương tâm.

Và chính từ trào lưu thích lấy chồng ngoại để đổi đời đã tạo điều kiện cho bọn cò mồi, môi giới bất hợp pháp có điều kiện hoạt động mạnh mẽ. Họ tổ chức “xem mặt” cô dâu ở các nhà hàng, khách sạn, thậm chí lạm dụng tổ chức những đường dây dẫn dắt mua bán người xuyên quốc gia.

Phong trào lấy chồng nước ngoài đang dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Cụ thể năm 2005, Hải Dương có 226 người thì đến 2010 là 632 người. Quảng Ninh năm 2005 là 126 trường hợp đến năm 2010 là 786 trường hợp. Đặc biệt là Hải Phòng được đánh giá có số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, từ năm 2007 đến tháng 7.2009, tại TP.HCM đã phát hiện, xử lý 40 cuộc, với 200 đối tượng tổ chức môi giới hôn nhân trái pháp luật cho người Đài Loan, Hàn Quốc (với sự tham gia của gần 1.800 phụ nữ Việt Nam) và nhiều chuyên án khác đã bắt nhiều nhóm môi giới, cò mồi ở Cần Thơ, Bình Dương, An Giang, Long An, Tây Ninh, Bạc Liêu…

Theo các ý kiến tại hội nghị, Việt Nam đang trên đường hội nhập, xu thế lấy chồng nước ngoài là tất yếu và có thực mà chúng ta không thể cấm đoán hay ngăn cản.

Nhưng để việc phụ nữ lấy chồng nước ngoài giữ được phẩm chất đạo đức, đặc biệt là hạnh phúc, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ và gia đình; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em.

Đồng thời, cần có hình thức xử lý nghiêm đối với các đối tượng môi giới, dẫn dắt hôn nhân bất hợp pháp với người nước ngoài thay vì xử lý hành chính như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem