Theo đó, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Đặc biệt, cần lấy địa bàn xã làm cơ sở chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu.
Hình thành các hợp tác xã kiểu mới
Một trong những nội dung trọng tâm, mà Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao để đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Việc áp dụng cơ giới hóa còn hạn chế đã làm giảm hiệu quả sản xuất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Đ.D
Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi.
Xây dựng mô hình mẫu về nông nghiệp công nghệ cao
Để thay đổi sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp KHCN mới tiên tiến; xây dựng mô hình mẫu với từng ngành để nhân ra diện rộng; khuyến khích liên kết giữa các tổ chức khoa học nhà nước với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần xây dựng chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp và người dân biết, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp.
Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu địa phương
Đối với các địa phương đã phê duyệt đề án hoặc chương trình, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đối với các địa phương chưa phê duyệt đề án, cầu khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt trong quý IV năm nay; lấy địa bàn xã làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu, thành lập Ban chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó ở cấp xã, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương và ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.
Phát hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất quy mô lớn theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm để giảm bớt rủi ro cho nông dân, giảm chi phí sản xuất. Các địa phương có trong quy hoạch xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao (theo Quyết định 575 ngày 4.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ), cần triển khai mạnh mẽ, làm đầu tàu về phát triển nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền…
Hơn 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương, trong đó chủ trì là Bộ NNPTNT đã nỗ lực triển khai thực hiện theo các nội dung và giải pháp của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của toàn ngành.
Năm 2014, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt tốc độ cao hơn với giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (3,27%).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.