Lấy gì cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trên Biển Đông?

Diệu Bình - Trương Hồng - Công Tâm Thứ sáu, ngày 06/05/2022 12:18 PM (GMT+7)
Trung Quốc vừa đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2022, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 và dự kiến trong 3 tháng. Việc cấm biển này đối với ngư dân Việt Nam là hoàn toàn vô lý, vì những vùng biển thuộc Việt Nam thì họ lấy quyền gì cấm?
Bình luận 0

Sáng 6/5, tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), ngư dân Lê Thông (trú tỉnh Quảng Bình) cùng các bạn tàu khác khẩn trương đưa nguyên vật liệu lên tàu, chuẩn bị cho chuyến đi biển sắp tới. Ông Thông cho hay đã nghe thông tin Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông nhưng ông cùng bạn tàu không quan tâm vì "biển của mình thì mình đánh bắt".

"Đối với ngư dân chúng tôi đây là hành động phi nghĩa. Sẽ không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn sẽ vươn khơi bám biển như thường. Đây không chỉ là kế sinh nhai cho những ngư dân như chúng tôi mà còn là việc đánh dấu chủ quyền biển đảo quê hương", ông Thông nói.

Lấy gì cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Đông? - Ảnh 1.

Cá từ biển Đông về cảng Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: D.B

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng cho biết, đây việc làm phi nghĩa thường xuyên của Trung Quốc. "Trung Quốc đã áp đặt lệnh đánh bắt cá trên vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế không phải của họ. Đây là việc làm sai trái, không hợp pháp và trực tiếp uy hiếp cuộc sống của ngư dân Việt Nam", ông Lĩnh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, năm nay, lệnh cấm đánh bắt cá năm nay của Trung Quốc cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ lực để áp chế bất kỳ ngư dân của nước nào vi phạm. Đây là điều rất nguy hiểm đối với ngư dân.

"Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng lên án gây gắt việc làm này của Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam luôn thực hiện đánh bắt hòa bình trên vùng biển truyền thống của mình từ trước đến nay bất chấp các lệnh cấm của bất kỳ ai áp đặt trên vùng lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", ông Lĩnh cho hay.

Lấy gì cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Đông? - Ảnh 2.

Tàu cá của ngư dân Quảng Nam vươn khơi đánh bắt trên Biển Đông. Ảnh: Q.V

Cũng theo ông Lĩnh, trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, đơn vị đã tuyên truyền cho ngư dân phải tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các chỉ dẫn của cơ quan có liên quan trong quá trình đánh bắt. "Ngư dân đi đánh bắt phải có sự liên kết giữa các tổ, đội để bảo vệ lẫn nhau. Đồng thời, luôn bật tất cả các thiết bị liên lạc, định vị để báo cáo kịp trong các trường hợp xấu xảy ra", ông Lĩnh nói thêm.

Trong khi đó, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết: Việc Trung Quốc cấm đánh bắt trên biển Đông là chuyện "cũ rích". Để hỗ trợ ngư dân bám biển, Hội Nghề cá Quảng Nam đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động ngư dân ra khơi đánh bắt bình thường, vì đây là mùa vụ chính của ngư dân Quảng Nam.

Lấy gì cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Đông? - Ảnh 3.

Ngư dân miền Trung vẫn liên tục ra biển Đông đánh bắt hải sản. Ảnh: D.B

"Theo tôi, việc Trung Quốc cấm biển là quá vô lý, không ai công nhận tuyên bố này. Vì đây là vùng biển đã được khẳng định chủ quyền và đây là nơi đánh bắt truyền thống của ngư dân bao đời nay", ông Tấn nói.

Theo ngư dân Phạm Văn Đông (Quảng Nam), vùng biển nào thuộc vùng đặc quyền của Việt Nam thì bà con vẫn quyết vươn khơi khai thác hải sản bình thường.

"Việc Trung Quốc cấm biển là quá vô lý. Đây không phải là năm đầu tiên phía Trung Quốc ban lệnh cấm biển mà họ "ban lệnh vô lý" này lâu rồi. Biển mình thì mình đi khai thác, không vi phạm là được. Hiện nay tàu chúng tôi vẫn vươn khơi đánh bắt bình thường trên biển Đông", ngư dân Phạm Văn Đông nói.

Ngư dân Khánh Hòa quyết tâm bám biển

Tại cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa), ông Trần Deo - thuyền trưởng tàu KH 91395TS) bức xúc cho biết: "Tôi gắn bó với nghề đánh bắt cá trên biển Trường Sa từ năm 23 tuổi, đến nay đã 58 tuổi. Tôi nhận thấy, việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt trên biển Đông là quá kỳ, ngư dân chúng tôi cực kỳ lên án".

Theo ông Deo, mặc dù trong năm 2022 tình hình đánh bắt của ngư dân gặp khó khăn do giá xăng dầu liên tục tăng và ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, sáng hôm nay (6/5) chuyến tàu đã xuất bán hải sản được 150 triệu đồng, trừ chi phí mỗi thuyền viên cũng kiếm được 5-6 triệu đồng/người, anh em bạn thuyền có thu nhập nên ai cũng phấn khởi xem đó là tín hiệu vui sau thời gian khó khăn.

Đang sửa chữa lại con tàu mang số hiệu KH 99326TS, chủ tàu Võ Văn Sướng (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cho hay: "Tàu của tôi đánh bắt cá ngừ đại dương đã trên 5 năm nay. Trước việc Trung Quốc đưa ra yêu cầu phi lý, ngư dân chúng tôi vẫn chắc chắn sẽ có mặt trên biển chứ không e ngại gì. Dự kiến ngày 8/5, tàu của tôi sẽ ra khơi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem