Nhiều lao động có việc làm nhờ HTX
Năm 2003, thực hiện Luật HTX, các HTX nông nghiệp của Quảng Ninh đã chuyển đổi thành HTX dịch vụ nông nghiệp. Sau chuyển đổi, hầu hết các HTX dịch vụ còn lúng túng, một số HTX lâm vào tình trạng khó khăn.
|
Các HTX sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM ở Quảng Ninh. |
Mặc dù vậy, sau 8 năm thực hiện Luật HTX, phong trào HTX dịch vụ nông nghiệp ở Quảng Ninh ngày càng được củng cố, xuất hiện nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần an sinh xã hội.
Theo thống kê của Liên minh các HTX tỉnh Quảng Ninh, đến nay toàn tỉnh có 215 HTX các loại, trong đó có 124 HTX dịch vụ nông nghiệp (chiếm 57,67%). Tổng doanh thu của HTX năm 2010 là 107 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 13.800 lao động.
Đến nay, hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp đều đảm nhận các khâu quan trọng mà xã viên không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả, như dịch vụ tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Đặc biệt, một số HTX dịch vụ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị như máy làm đất, máy gieo thẳng đảm nhận khâu làm đất và gieo thẳng, giúp bà con nông dân giảm cường độ lao động, năng suất lúa đạt cao. Trong 124 HTX dịch vụ nông nghiệp, có 65% HTX đảm nhận từ 3-4 khâu, 45% HTX đảm nhận 5 khâu, không còn HTX nào chỉ đảm nhận 1-2 khâu.
Hành trang xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành chương trình vào năm 2015, nhiều HTX ở Quảng Ninh đã chủ động trong việc lựa chọn hướng đi, mô hình gắn chặt với quá trình xây dựng NTM.
Đơn cử như HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (huyện Đông Triều) đã có nhiều hình thức mở rộng các ngành nghề, như trồng hoa cao cấp, sản xuất nấm rơm, chăn nuôi bò sữa, móc chỉ khâu xuất khẩu... đạt hiệu quả cao. HTX nông, ngư nghiệp Hải Yến (huyện Yên Hưng) đã xây dựng “Quỹ Hưu trí" dành cho xã viên già cả, hết tuổi lao động được hưởng trợ cấp lương hưu hàng tháng.
Ông Đặng Văn Sơn - Chủ nhiệm HTX Hải Yến cho biết: “Một trong những nguyên nhân làm nên thành công của HTX là ban quản trị đoàn kết, gương mẫu, xây dựng các phương án khoán quản, ăn chia công khai, hợp lòng dân. Đến nay, HTX có hơn 400 hộ, với 1.139 xã viên, hoạt động sản xuất trên hai lĩnh vực là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhờ được đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nên cả hai lĩnh vực sản xuất cho hiệu quả ngày càng cao”.
Điều kiện đãi ngộ đối với cán bộ quản lý HTX hiện còn rất hạn chế. Cán bộ quản lý HTX chưa được hưởng các chính sách đãi ngộ, thu nhập thấp nên không thu hút được nhân tài.
Ông Phạm Văn Thành - Chủ nhiệm HTX Bình Khê, Đông TriềuTuy nhiên, theo ông Sơn: “Khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của các HTX hiện nay là vốn. Mặc dù, Ban Chủ nhiệm và xã viên các HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX ngành nghề khác đã gồng mình vận động, nhưng vốn liếng vẫn rất hạn chế, chỉ trông chờ vào nguồn đóng góp ít ỏi của xã viên, không có tài sản thế chấp nên không được vay vốn ngân hàng”.
Với quyết tâm hoàn thành Chương trình xây dựng NTM vào năm 2015, Quảng Ninh đang dồn mọi nguồn lực đầu tư vào nông thôn theo phương châm “Lấy đô thị làm NTM” trong đó các HTX đang đóng vai trò rất quan trọng để tạo động lực vào sản xuất nông nghiệp và tạo hành trang trong xây dựng NTM.
Đinh Quận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.