Lấy lại 'sức vóc' cho TP.HCM (Bài 4): Ngân sách eo hẹp sẽ khiến dự án nằm trên giấy

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 08/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh trước đây, đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM được giữ lại vốn đã rất cấp thiết thì sau dịch, vấn đề này lại càng cấp thiết hơn.
Bình luận 0

Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng cho TP.HCM trong năm 2022 lên 21% thay vì 18% như 5 năm qua, đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia có nhiều đóng góp về thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á, Bắc Mỹ cũng như tại Việt Nam, cho rằng với phần ngân sách được tăng thêm, nhiều dự án tại TP.HCM sẽ được thúc nhanh hơn.

Đừng để dự án nằm trên giấy

Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh trước đây, đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM được giữ lại vốn đã rất cấp thiết thì sau dịch, vấn đề này lại càng cấp thiết hơn. 

Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM trước đây nhằm giúp TP.HCM tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nhưng hiện thành phố đang đối mặt nhiều bài toán nan giải hơn sau đợt dịch lần thứ tư.

"TP.HCM đang là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhưng cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất đợt dịch vừa qua", ông Sơn đánh giá.

Lấy lại "sức vóc" cho TP.HCM (Bài 4): Ngân sách eo hẹp khiến dự án nằm trên giấy - Ảnh 1.

Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nhà ở cho công nhân là một trong những vấn đề TP.HCM cần quan tâm sau đợt dịch vừa qua. Ảnh: Uyên Phương.

Theo ông, với nguồn ngân sách được giữ lại tăng thêm, trước mắt sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM phục hồi kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động, thu hút người lao động trở lại thành phố. 

Đặc biệt, TP.HCM sẽ có nhiều nguồn lực hơn để phát triển nhà ở cho công nhân, đây là vấn đề được quan tâm nhiều trước làn sóng người dân đổ về quê vì cuộc sống khó khăn trong dịch. Ông cho rằng phải "an cư" thì mới "lạc nghiệp".

Sau đó là cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm của TP.HCM vẫn chưa hoàn thành thời gian qua do Covid-19. Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn chỉ rõ nhiều công trình lớn đang ngưng trệ trầm trọng, đặc biệt là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên muốn dời hạn về đích thêm 3 năm nữa.

Lấy lại "sức vóc" cho TP.HCM (Bài 4): Ngân sách eo hẹp khiến dự án nằm trên giấy - Ảnh 2.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên muốn dời hạn về đích thêm 3 năm nữa. Ảnh: B.D.

Tiếp đến, cảng Cát Lái vẫn kẹt xe, những dự án mang tính kết nối vùng như đường vành đai chưa khép kín, xe buýt giao thông công cộng, kẹt xe, ngập nước… Đó là chưa kể đầu tư cho TP.Thủ Đức, thành phố thông minh, trung tâm tài chính quốc tế.

"Đầu tư cho cơ sở hạ tầng cần vốn rất lớn. Nguồn ngân sách eo hẹp như hiện nay khiến dự án nằm trên giấy", chuyên gia đánh giá và cho rằng tập trung vốn cho TP.HCM sẽ sớm khôi phục được nền kinh tế, khi đó, khoảng đóng góp cho ngân sách từ TP cũng sẽ sớm phục hồi và càng lớn hơn.

Nên ưu tiên cho đứa con cả vừa khỏi bệnh

Chuyên gia thẳng thắn nêu quan điểm việc xem xét mức điều tiết ngân sách cho TP.HCM được giữ lại phải đặt dưới tầm nhìn quốc gia, bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho cả nước chứ không phải chỉ cho riêng TP.HCM. 

Ông nhấn mạnh một đồng vốn đầu tư cho TP.HCM hiệu quả gấp chục lần tỉnh thành khác.

"Tỷ lệ 23% mà TP.HCM đề xuất cho năm 2022 vẫn còn thấp nhưng Bộ Tài chính đề xuất hạ xuống 21%, tôi rất hy vọng được tăng lên 23-25% thậm chí hoặc hơn. Với tỷ lệ 21%, TP.HCM vẫn có thể xoay xở được nhưng thời gian hồi phục kinh tế chậm hơn, 'miếng bánh' tạo ra không đủ lớn sẽ ảnh hưởng ngân sách đóng góp về cho trung ương", ông nói.

Lấy lại "sức vóc" cho TP.HCM (Bài 4): Ngân sách eo hẹp khiến dự án nằm trên giấy - Ảnh 3.

Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM đã đóng góp lớn cho cho cả nước thì lúc này, cả nước nên chung tay san sẻ cùng thành phố. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo ông Sơn, ngân sách của cả nước cũng đang gặp khó vì dịch thì trong bối cảnh hiện nay, các tỉnh nên "thắt lưng buộc bụng" hơn, cắt bớt dự án trăm tỷ, nghìn tỷ chưa thực sự cần thiết như tượng đài, dự án không bức thiết, không phục vụ dân sinh để tập trung cho TP.HCM phục hồi kinh tế. 

Đầu tàu của cả nước sớm khôi phục thì mới đủ sức và lực kéo nền kinh tế trong nước. Ông ví von trong gia đình, người con cả bệnh nặng thì những người con khác cũng nên sẻ chia. 

"Chuyện chống dịch hiện nay cũng chưa hoàn toàn ổn, mà phải chuẩn bị kịch bản ứng xử tiếp theo lỡ dịch bị bùng phát lại. Rất nhiều chuyện cần nguồn ngân sách. Đây là giai đoạn mấy thập niên qua lần đầu gặp, TP.HCM đóng góp lớn cho cho cả nước thì lúc này, cả nước nên chung tay cho thành phố", chuyên gia nói.

Song song đó, theo ông Sơn, với nhu cầu phát triển của TP.HCM hiện nay, Trung ương cần cân nhắc cho TP.HCM có cơ chế đặc thù để sớm phục hồi sau dịch, có cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Cơ chế đặc thù này rất quan trọng cho những đề án lớn mà thành phố đang triển khai như thành phố thông minh, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem