Lấy lại 'sức vóc' cho TP.HCM (Bài 1): TP.HCM được tăng ngân sách, có lợi cho cả vùng

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 05/11/2021 09:05 AM (GMT+7)
Tại các buổi làm việc với TP.HCM gần đây, Thủ tướng, Chủ tịch nước đã ủng hộ chủ trương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố. Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM tăng lên không chỉ thúc đẩy TP phát triển mà còn có lợi cho cả vùng.
Bình luận 0
Lấy lại "sức vóc" cho TP.HCM: Bài 1: TP.HCM được tăng ngân sách, có lợi cho cả vùng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM tháng 10/2021. Ảnh: HMC

Nguy cơ hụt thu ngân sách là hiện hữu

Theo UBND TP.HCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 9 tháng năm 2021 là 271.639 tỷ đồng, đạt 74,44% dự toán, tăng 7,96% cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 184.319 tỷ đồng, đạt gần 72% dự toán, tăng 4,39% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 87.300 tỷ đồng, đạt gần 81% dự toán, tăng trên 16% so với cùng kỳ.

Số thu ngân sách trên địa bàn thành phố vẫn tăng là nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp khối bất động sản và khối tài chính ngân hàng trong những tháng đầu năm 2021. Trong đó, số thu của khối bất động sản một phần là từ các khoản tích lũy trong nhiều năm trước, đến nay các đơn vị thực hiện kê khai quyết toán.

Tuy vậy, bóc tách số thu theo tháng kể từ tháng 5/2021 - thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, thì lại có xu hướng giảm mạnh.

Dưới áp lực bùng phát dịch, việc TP.HCM và nhiều tỉnh thành thực hiện giải pháp tăng cường giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông hàng hóa đã làm tăng trưởng của khu vực kinh tế giảm dần.

Các ngành tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm như bất động sản, tài chính ngân hàng khi qua tháng 7 đều có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, TP.HCM cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định.

Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố từ tháng 5 đến nay có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, theo số liệu của Sở Tài chính TP.HCM, số thu tháng 8/2021 (không kể số thu từ quỹ dự trữ tài chính) trên địa bàn đạt 20.437 tỷ đồng, thấp hơn 32,8% số thu trung bình một tháng phải thu, giảm hơn 37% so với số thu tháng 7/2021 và giảm 19,39% so cùng kỳ.

Qua tháng 9/2021, số thu cũng ghi nhận thấp hơn 48,76% số thu trung bình một tháng phải thu, giảm 23,76% so với số thu tháng trước đó và giảm 49,3% so cùng kỳ.

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, việc thu ngân sách trong 2 tháng gần đây sụt giảm sâu so với cùng kỳ và những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế, đang đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho ngành tài chính nói riêng và thành phố nói chung trong những tháng cuối năm. Khả năng hụt thu ngân sách cuối năm là rất lớn, nếu không bảo đảm số thu trong quý 4.

Tuy vậy, đại diện Sở Tài chính cũng cho rằng, với những kết quả thành phố đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh cùng với những giải pháp phục hồi kinh tế sẽ là những tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thu chi ngân sách trong những tháng cuối năm.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giữa tháng 10, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong quý 3, giảm 24,39% so với cùng kỳ.

Do đó, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ. TP.HCM dự báo GRDP cả năm 2021 sẽ giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu đề ra.

Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và nhà máy phải dừng hoạt động để chống dịch. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa có dấu hiệu hồi phục, một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" hoặc "4 xanh", còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc.

Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều dự án tại TP.HCM phải ngừng hoạt động, chỉ có ít dự án đủ điều kiện "3 tại chỗ" mới được thi công dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh do nhu cầu thị trường giảm.

Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều đơn vị kinh doanh như khách sạn - nhà hàng buộc phải đóng cửa. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Về việc làm, hàng triệu người lao động của TP bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Về ngân sách, TP.HCM cho biết do dịch bệnh, thu ngân sách giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí phục vụ phòng chống dịch tạo áp lực lớn. Do đó, thành phố phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước.

Lấy lại "sức vóc" cho TP.HCM: Bài 1: TP.HCM được tăng ngân sách, có lợi cho cả vùng - Ảnh 3.

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài mở ra cơ hội phát triển, liên kết vùng. Ảnh: V.T

Mũi nhọn là đầu tư hạ tầng

Trước đó, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vị trí đầu tàu cả nước của TP.HCM trước tiên thể hiện ở tỷ trọng đóng góp của kinh tế TP.HCM với cả nước ngày một tăng lên.

Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP.HCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% nhưng đến giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%. Tương tự, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của TP.HCM so với cả nước cũng ngày một tăng. Nếu giai đoạn 1996-2000 trên 1km2 của TP.HCM tạo ra giá trị gia tăng cao gấp 27 lần bình quân cả nước, thì giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần.

Điều này có nghĩa là sau khoảng 3 năm, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của TP.HCM bằng giá trị cả nước tạo ra trên 1km2 trong 100 năm, trong khi 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm từ 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%.

"Việc làm giảm nguồn lực từ ngân sách là một lý do khách quan hạn chế sự vượt trội của TP.HCM", ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng nguồn lực từ ngân sách sẽ là động lực không chỉ cho TP.HCM phát triển mà còn có lợi cho cả vùng. Việc nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách sẽ giúp tăng nguồn lực ngân sách cho TP để đầu tư phát triển, nhất là những dự án cơ sở hạ tầng lớn vốn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng trong khoảng 10 năm vừa qua. Đây sẽ là nguồn vốn mồi góp phần tạo ra nhiều sự lan tỏa hơn để qua đó có thể thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia dưới hình thức là PPP (đối tác công tư).

Lấy lại "sức vóc" cho TP.HCM: Bài 1: TP.HCM được tăng ngân sách, có lợi cho cả vùng - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Đình Nam

Việc này còn mang tính tác động tích cực sang các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế phía Nam cùng phát triển thông qua kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Từ đó sẽ đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cho những khu vực lân cận và tạo động lực trở thành đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Nam.

Theo TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên gia nghiên cứu về hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ, cần ưu tiên giải quyết "điểm nghẽn" về hạ tầng cho giao thông để kết nối tốt hơn với các khu vực xung quanh. Cùng với đó là nên tập trung vào các mũi nhọn là hạ tầng cho TP.Thủ Đức và hạ tầng chung cho cả TP.HCM.

Tại hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM giữa tháng 10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhân định, kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch lần thứ 4 cho nên nhiều chỉ số kinh tế giảm sâu trong 9 tháng. Để phục hồi kinh tế, TP.HCM phải chủ động cập nhật các kịch bản phục hồi kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh; khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược kinh tế trong trạng thái "bình thường mới". Trong đó, tập trung phát triển kinh tế tri thức, kinh tế có hàm lượng chất xám cao.

"Tập trung phân tích, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của TP.HCM; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; tái cấu trúc đô thị; xây dựng chính quyền đô thị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính", Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo và tiếp tục thúc đẩy đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội 3 tháng cuối năm tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP cho biết thành phố sẽ tập trung triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách hợp lý, vừa đảm bảo tỷ lệ thu cao nhất có thể, vừa chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, thành phố cũng có kế hoạch rà soát các nguồn thu từ nhà công, đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Trong năm 2021, TP.HCM được giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước là 364.893 tỷ đồng, giảm 10,1% so dự toán năm 2020 và giảm 1,7% so với thực hiện năm 2020.

Với diễn biến thu ngân sách trong những tháng gần đây, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt trên 90% chỉ tiêu thu ngân sách trong năm 2021.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem