Lấy lại “sức vóc” cho TP.HCM (Bài 3): Hạt nhân kích thích tăng trưởng cho toàn vùng
Lấy lại 'sức vóc' cho TP.HCM (Bài 3): Hạt nhân kích thích tăng trưởng cho toàn vùng
Quốc Hải
Chủ nhật, ngày 07/11/2021 06:01 AM (GMT+7)
Dù TP.HCM được giữ lại ngân sách với tỷ lệ 21% hay 23% như mong mỏi, thì theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực cần tập trung nguồn lực vẫn là đầu tư công để kích thích nền kinh tế.
Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhấn mạnh, dù con số tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 21% hay 23% thì lĩnh vực đầu tiên thành phố nên tập trung là đầu tư công.
Cụ thể, theo ông Phương, là đầu tư các tuyến đường, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế phát triển, thúc đẩy giao thương… khi đó nền kinh tế mới phát triển, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... kể cả khu vực miền Tây. Khi đó, việc đầu tư này không chỉ kéo kinh tế TP.HCM phát triển mà còn kéo kinh tế các tỉnh lân cận này cùng phát triển.
Kế đến là tập trung đầu tư vào lĩnh vực y tế và giáo dục vì đây là hai lĩnh vực nền tảng gốc của đời sống con người. Dịch bệnh vừa qua đã cho thấy đây là hai lĩnh vực cần phải tập trung đầu tư mạnh để phát triển.
"Cả 3 lĩnh vực này nếu không có ngân sách nhà nước thì rất khó phát triển, cần phải đẩy mạnh đầu tư trong bối cảnh bình thường mới này", ông Phương nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, với nguồn lực có hạn, đầu tư công năm 2022 phải lựa chọn ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho những dự án mang tính lan tỏa, dự án trọng điểm, dự án đang làm dang dở. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho dự án thuộc lĩnh vực y tế cơ sở, cộng đồng, phục hồi kinh tế và giáo dục khoa học công nghệ...
Quan trọng hơn, ngoài những dự án của TP.HCM, những dự án về kết nối khu vực, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải có sự đầu tư mạnh từ ngân sách trung ương để thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, nhân kỳ họp Quốc hội, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện các luật còn vướng như đất đai, đấu thầu, xây dựng, đầu tư… Từ đó tạo hành lang thông thoáng để TP.HCM thu hút thêm vốn đầu tư, bao gồm vốn tư nhân cũng như vốn đầu tư nước ngoài.
Dù thế nào vẫn cần tự vận động thêm
Theo TS Trần Du Lịch - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, ngoài nguồn ngân sách theo tỷ lệ điều tiết được giữ lại, để đáp ứng mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025, buộc thành phố phải tìm thêm nhiều nguồn lực khác để có thể cân đối đầu tư cho các mục tiêu phát triển.
Cụ thể, theo ông Lịch đề xuất, TP.HCM có thể xin cơ chế để tăng bội chi ngân sách địa phương, phát hành thêm trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu chính quyền đô thị. Đặc biệt, thành phố phải tính đến phương án khai thác tốt hơn quỹ đất công.
"Hiện tiềm năng của nguồn thu này còn rất lớn, thành phố cần rà soát những mặt bằng còn dôi dư đang bị sử dụng lãng phí để khai thác tối đa nguồn thu từ đây. Nếu vướng cơ chế thì có thể xin thêm. Tiếp nữa là nguồn vốn cổ phần hóa. Hai nguồn thu này thuộc thẩm quyền của TP và phải nỗ lực để có thể huy động hiệu quả", ông Lịch đề xuất.
Đồng tình với đề xuất này, TS Ðinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, khẳng định việc phát hành trái phiếu đô thị là rất khả thi và cần triển khai sớm, nhất là trong điều kiện nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp sau thời gian tập trung chống dịch Covid-19.
"Việc phát hành trái phiếu đô thị là phương thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao hơn vốn vay ngân hàng nên cần thực hiện đầu tiên" ông Hiển phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, do TP.HCM với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nên khi phát hành trái phiếu sẽ thu hút người mua. Nhưng trái phiếu này cần có tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Lúc đó, người cần bán hay mua có thể lên sàn giao dịch và như vậy tiện lợi và thu hút hơn...
Cấp bách tìm vốn cho hạ tầng giao thông
Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM nhiều giải pháp, cơ chế để UBND thành phố kiến nghị lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, để "tìm vốn" đầu tư hạ tầng giao thông.
Cụ thể, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho thành phố được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc Chính phủ thu xếp nguồn vốn cho thành phố vay lại với lãi suất 0%, dư nợ của phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chi của ngân sách.
Ðặc biệt, cho phép TP.HCM tổ chức quy hoạch đất hai bên tuyến, đầu tư các tuyến đường nhánh, tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất làm nguồn lực triển khai dự án và trả nợ vốn vay Chính phủ hoặc thanh toán trái phiếu chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm khả năng cân đối vốn theo quy định hoặc không tính vốn đầu tư các dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.