Lấy sức dân làm đòn bẩy

Thứ tư, ngày 27/07/2011 08:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thái Nguyên nằm ở trung tâm các tỉnh Việt Bắc, do vậy việc xây dựng chương trình nông thôn mới (NTM) ở đây sẽ có rất nhiều ý nghĩa, góp phần tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phát triển.
Bình luận 0

NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên:

Với điều kiện địa lý là một tỉnh trung tâm của vùng Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên sẽ có những quan điểm gì trong xây dựng NTM, thưa ông?

- Quan điểm của chúng tôi hết sức rõ ràng, tức phải thực hiện theo định hướng, chính sách đã được T.Ư đề ra. Tuy nhiên, trong định hướng của Thái Nguyên, chúng tôi cho rằng, xây dựng NTM không chỉ nằm ở yếu tố vật chất, mà còn cả những yếu tố phi vật chất nữa, hay nói nôm na là không cần tiền hoặc cần ít tiền. Chẳng hạn, như xây dựng nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường.

img
Trồng nấm là mô hình được Thái Nguyên ưu tiên triển khai trước khi xây dựng NTM.

Theo tôi, trong xây dựng NTM không phải tất cả mọi thứ đều cần tiền. Điều quan trọng là phải có sự đồng thuận của cả chính quyền và người dân, vì nếu không có sự đồng thuận này, dù có tiền cũng tham ô, lãng phí, không thể làm được.

img
Ông Đặng Viết Thuần

Đến thời điểm này, Thái Nguyên đã bắt đầu khởi động chương trình xây dựng NTM. Thái Nguyên sẽ đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng NTM như thế nào?

- Mặc dù Thái Nguyên còn gặp một số khó khăn, nhưng quyết tâm của chúng tôi từ nay đến 2015 là sẽ xây dựng được 24% số xã đạt NTM (tức 35/143 xã), 40% số xã còn lại cơ bản đạt các tiêu chí về NTM, các xã còn lại đều phải phấn đấu đạt một số tiêu chí NTM để tạo tiền đề xây dựng NTM đến năm 2020. Chính sự định hướng này sẽ đặt ra vấn đề cho Thái Nguyên phải xác định xem những xã nào có tiềm lực, họ thiếu cái gì, tỉnh sẽ hỗ trợ cái đó.

Đến nay, chúng tôi cũng đã điều tra toàn bộ hiện trạng nông thôn để xem nơi này, nơi khác đã đạt được tiêu chí gì. Qua quá trình điều tra này, chúng tôi thấy tiêu chí về đường giao thông nông thôn là hơi mập mờ. Bởi khi nói đến đường, thì chúng ta cần xác định đường nông thôn ấy là đường nào, toàn bộ xã ấy có bao nhiêu đường, 1 hay 10km? Đây là một tiêu chí rất quan trọng, nếu chưa xác định được cụ thể, việc xây dựng NTM sẽ mang tính hình thức tương đối nhiều.

Nói như vậy, có thể thấy ngay chính nội dung về NTM hiện nay cũng còn có nhiều cách hiểu, diễn giải khác nhau từ T.Ư xuống đến tỉnh. Như thế, cán bộ ở dưới cơ sở sẽ cần được hiểu về chương trình này ra sao?

- Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn về xây dựng NTM, nhưng với những cách làm khác các địa phương. Chúng tôi sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn: Tập huấn cho những người làm công tác quy hoạch. Tập huấn cho những người làm công tác chỉ đạo ở cấp huyện. Tập huấn cho những người chỉ đạo ở cấp xã và ban thực hiện cấp xã. Quan điểm của tỉnh Thái Nguyên là, không muốn làm đi làm lại, làm đến đâu, chắc đến đó và làm đến đâu phải phát sinh được sức mạnh đến đó.

Chúng tôi đã kiến nghị, dứt khoát Văn phòng điều phối xây dựng NTM phải chuyển về UBND tỉnh, chứ không thể đặt ở Sở NNPTNT được. Lý do là Sở NNPTNT không phải là sở để lãnh đạo tất cả các sở, ngành khác. Chúng tôi cũng sẽ sắp xếp bộ máy này rất gọn nhẹ với 7-8 người là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Có một vấn đề ở một số địa phương đang xây dựng NTM hiện nay là, người dân đã đóng góp quá sức của mình. Khi triển khai làm NTM tới đây, Thái Nguyên sẽ phải huy động những nguồn lực nào để giảm đóng góp cho người dân?

- Theo tôi, nguồn vốn của Nhà nước vẫn được coi là cơ bản. Hiện vay cho nông nghiệp, nông thôn đâu có dễ, chẳng có ai dại gì vay tiền làm đường với lãi suất đến 16%. Còn nếu bắt dân đóng góp 2 triệu đồng bằng tiền đi vay lãi, thì dân lại nghèo đi.

Tôi nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cần phải chọn cái gì làm trước để nó phát huy ngay và cái gì thì làm sau. Theo tôi, ở đây chính là vấn đề tăng thu nhập cho người dân, khi người dân có thu nhập rồi, thì việc họ đóng một khoản tiền cho việc xây dựng đường sá sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Phải lấy sức dân làm đòn bẩy. Mặc dù T.Ư chỉ đặt mục tiêu là tăng thu nhập của các xã NTM lên 1,5 lần, nhưng Thái Nguyên sẽ phấn đấu tăng 1,8 lần, tức đạt thu nhập bình quân đầu người ở mức 45 triệu đồng/năm vào năm 2015.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem