Ngày 28/8, UBND huyện Thạch An phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ công bố đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê, huyện Thạch An.
Đến dự buổi lễ có đồng chí Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Lê Đông Khê luôn là niềm tự hào của người dân Cao Bằng, nổi tiếng với vị ngọt thơm đặc trưng. Loại quả này được coi là sản vật quý nơi núi rừng Tây Bắc.
Năm 2012, Lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Tại Cao Bằng, cây lê được trồng nhiều tại các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng… Tuy nhiên, vùng nổi tiếng nhất và cho ra loại quả thơm ngon nhất là ở huyện Thạch An.
Hiện nay, Thạch An có gần 90ha lê giống địa phương với khoảng 3,6 vạn cây được trồng chủ yếu ở các xã Lê Lai, Lê Lợi, Đức Long, Vân Trình và thị trấn Đông Khê; riêng vùng trồng tập trung 40ha tại 2 xã Đức Long, Lê Lợi.
Tuy nhiên, lê Đông Khê đang đứng trước nguy cơ mai một với diện tích trồng khiêm tốn và tỷ lệ cây cho hạt chất lượng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số cây; 80% số cây đã già, thoái hóa, không ra quả. Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả của lê Đông Khê.
Dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Đông Khê" cho sản phẩm lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng" được triển khai từ năm 2018 do Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Phát triển chiến lược nông nghiệp nông thôn chủ trì thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.
Đến nay, cơ bản dự án đã đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Lê Đông Khê.
Dự án được triển khai tại 10 xã, thị trấn với tổng kinh phí được phê duyệt 595 triệu đồng, tổng kinh phí đã thực hiện được trên 548 triệu đồng.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Lê Đông Khê số 350644 được trao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu thuộc nhóm 31: Quả lê tươi (quả lê được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê)…
Theo mô tả, nhãn hiệu chứng nhận có nguồn gốc địa lý là giống lê vàng Đông Khê được trồng tại 10 xã (gồm xã Đức Long, Đức Xuân, Lê Lai, Lê Lợi, Danh Sỹ, Vân Trình, Thái Cường, Trọng Con, Thị Ngân, Thị Hùng) và thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Lê Đông Khê là cây ăn quả dài ngày. Nếu nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm bón, sau khi trồng khoảng 6 - 7 năm, cây lê bắt đầu bói quả. Tuổi khai thác của giống lê Đông Khê rất cao, kéo dài tới vài chục năm, thậm chí trồng ở vùng đất tốt có thể cho hoạch hàng trăm năm.
Nhãn hiệu chứng nhận có quả hình cầu, tròn đều, một số ít hơi dẹt hoặc cao thành; vỏ quả khi chín có những đốm nâu sẫm trên nền nâu vàng hoặc nâu phớt xanh; chiều cao quả từ 65 - 72 mm; khối lượng quả trung bình 280 - 400g, tối đa không quá 1,2 kg. Quả có vị ngọt, chát, chua và có hương thơm tự nhiên…
Vào khoảng tháng 6-7 âm lịch là mùa lê Đông Khê thu hoạch. Khắp Đông Khê tràn ngập mùi thơm quyến rũ của lê. Người dân Đông Khê vui mừng vì loại quả quý của họ được thị trường ưa chuộng. Đến vụ lê không có đủ để bán.
Lái buôn tới tận vườn để thu mua. Giá thu mua bình quân khoảng 50 nghìn - 70 nghìn đồng/kg. Những quả đẹp, có trọng lượng từ 0,4 kg trở lên có thể bán với giá từ 90 nghìn - 100 nghìn đồng/kg, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Lê Đông Khê là giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm, từ đó thay đổi nhận thức quản lý, trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm lê Đông Khê; đưa cây lê trở thành cây chủ lực, tạo sinh kế bền vững cho người dân, duy trì cây đặc sản của địa phương, góp phần giảm nghèo và từng bước phát triển bền vững.
Qua đó, thúc đẩy hiệu quả Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện, Đề án nông nghiệp thông minh của tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.