Lễ hội chọi trâu: Mong chờ một giải đấu hấp dẫn và đầy nhân văn

Thứ tư, ngày 19/02/2014 10:41 AM (GMT+7)
Là người có một sở thích, đam mê bất tận về trâu, nhà báo Lại Vĩnh Mùi đã sưu tầm tất cả các loại tài liệu viết về trâu, ghi chép mọi chuyện về trâu, ở bất cứ đâu có lễ hội chọi trâu, hay triển lãm về trâu đều thấy ông xuất hiện đầu tiên.
Bình luận 0
Phóng viên NTNN đã trò chuyện với ông.

Ông Lại Vĩnh Mùi nói: Mấy năm nay tôi không để lọt bất cứ tin tức hoặc bài viết gì trên mạng liên quan đến trâu, nên khi biết tin sẽ tổ chức Hội chọi trâu báo NTNN  - Phúc Thọ 2014, tôi mừng lắm. Đây quả là điều mà tôi đã ước mơ và chờ đợi từ rất lâu.

Lễ hội chọi trâu không hẳn chỉ là giải trí mà còn là một lễ hội tâm linh. Từ cuối những năm 1980, khi kinh tế đất nước bắt đầu đi lên, cuộc sống cũng chỉ mới đỡ nhọc nhằn, thế mà người dân đã nghĩ ngay đến việc khôi phục lại những hoạt động văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí - vốn là một phần tất yếu của cuộc sống nhưng đã bị xếp lại trong thời kỳ chiến tranh.

Năm 1989, Đồ Sơn (Hải Phòng) là địa phương đầu tiên khôi phục lễ hội chọi trâu. Sau Đồ Sơn, nhiều địa phương khác cũng phục dựng hoặc bắt đầu tổ chức các hội, lễ hội chọi trâu, như Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) - nơi theo truyền thuyết đã có lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam từ 2.000 năm trước. Tiếp đó là các lễ hội Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Phù Ninh (Phú Thọ), Yên Bái, Nghi Lộc (Nghệ An)... Tôi cho rằng, trong tương lai sẽ còn nhiều địa phương khác tổ chức hội chọi trâu.

Nhà báo Lại Vĩnh Mùi.
Nhà báo Lại Vĩnh Mùi.

Theo ông sức hấp dẫn của chọi trâu là đâu?

- Sức hấp dẫn thì có nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố có thể nói là quan trọng nhất, đó là những ông trâu “siêu khủng”. Có người nói, hội chọi trâu ở Đồ Sơn luôn gay cấn hơn, “máu lửa” hơn vì trâu được tuyển và huấn luyện kỹ hơn. Nhưng càng ngày, ở các vùng khác cũng đều có sự góp mặt của các ông trâu “siêu khủng”, vì vậy, ở đâu cũng có thể thấy sự cuốn hút, cả dưới sân đấu lẫn trên khán đài.

Vòng chung kết với hàng chục trận đấu thường diễn ra trong cả buổi sáng. Cả 3-4 tiếng đồng hồ, hàng vạn con người đội mưa, dãi nắng, nhịn khát, thậm chí nhịn cả đi giải, hò reo, cổ vũ cho các kháp đấu của các ông trâu. Một bầu không khí sôi động còn hơn cả những trận cầu đỉnh cao tầm quốc gia. Điều này cũng dễ hiểu, vì các ông trâu thường thi đấu rất “trung thực”, luôn thi đấu hết mình và không biết đến... bán độ.

Ông kỳ vọng nào cho lễ hội chọi trâu do Báo NTNN và huyện Phúc Thọ tổ chức?


- Tôi mong lễ hội chọi trâu này sẽ khác biệt với các đợt chọi trâu tại các tỉnh. Bởi các lễ hội đó đều do địa phương cấp huyện trở xuống đứng ra tổ chức nên mỗi lần đi xem, tôi thấy còn có quá nhiều bất cập. Báo chí cũng phản ánh hàng loạt tiêu cực như nạn phe vé, chen lấn xô đẩy, trộm cắp, cá cược... Tôi luôn mong muốn lễ hội chọi trâu được tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng thật sự thấy lo rằng người ta sẽ thương mại hóa quá mức sự kiện thể thao văn hóa hấp dẫn này.

Đây là lần đầu tiên có một cơ quan báo chí - lại là báo của Hội Nông dân đứng ra phối hợp với địa phương để tổ chức hội. Tôi tin rằng hội lần này sẽ có nhiều điểm mới, khác biệt hẳn với các giải chọi trâu từ trước đến nay. Khác biệt về thể thức thi đấu, về quy mô, trình độ chuyên nghiệp về tổ chức. Chắc chắn hội sẽ hấp dẫn hơn và đặc biệt là sẽ nhân văn hơn.

Theo ông, phải làm cách nào để một lễ hội chọi trâu trở thành một lễ hội văn minh?

- Cá nhân tôi luôn cho rằng, dân tộc ta mang nợ con trâu quá nhiều và đến giờ vẫn chưa có những hình thức tôn vinh tương xứng. Chúng ta chưa có bảo tàng, tượng đài, đền thờ, khu tưởng niệm… nào dành cho “đầu cơ nghiệp” của 70 triệu nông dân Việt Nam. Nói con trâu, người ta chỉ nghĩ nhiều đến chọi trâu mà quên rằng, người Việt Nam còn có hàng mấy chục địa phương hàng năm đều tổ chức những lễ hội rất đặc sắc để tôn vinh con trâu.

Ví dụ, ở làng La Dương (Dương Nội, Hà Đông) có lễ hội rước trâu trắng rất linh thiêng. Người Sán Dìu ở Quảng Ninh có “lễ rửa cày bừa”. Các dân tộc Tây Nguyên đều rất coi trọng trâu... Đặc biệt, ở Hòa Châu (Đà Nẵng) có một lễ hội mục đồng, tôn trẻ chăn trâu. Thử hỏi, ở đâu lại có những lễ hội thuần khiết và nhân văn như vậy.

Tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, chắt lọc và đưa một số yếu tố hợp lý từ các lễ hội trên vào chương trình thì chắc chắn Hội chọi trâu Báo NTNN - Phúc Thọ 2014 sẽ tạo ra sự khác biệt và sẽ tồn tại lâu dài hơn.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem