Khác với nhiều lễ hội hiện nay, chủ tế phải là ngành văn hóa hoặc chính quyền địa phương, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là do nhân dân trên đảo Lý Sơn tự đứng ra tổ chức. Gọi lễ khao lề này là “lễ hội của nhân dân” là vì thế.
Kể từ khi Chúa Nguyễn trấn nhậm phương Nam sang thời kỳ Tây Sơn rồi các vua triều Nguyễn, Lý Sơn là địa phương được chính quyền thời bấy giờ tin tưởng giao nhiệm vụ chọn binh phu để ra Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc chủ quyền, khai thác hải sản...
Qua hàng trăm cuộc hải hành ra trấn giữ Hoàng Sa, nhiều binh phu là con em Lý Sơn mãi mãi không về, thân xác của họ vĩnh viễn gửi lại trong lòng biển. Tri ân sự hy sinh cao cả đó, hàng năm, cả 13 tộc họ từng khai phá đảo Lý Sơn lần lượt tổ chức Lễ Khao lề, để đến ngày 16.3 âm lịch, lễ chung được tổ chức tại đình làng An Vĩnh- nơi từng diễn ra các cuộc tiễn đưa con em ra Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước.
Những cuộc ra đi của binh phu Lý Sơn được phục dựng trong một không gian trang nghiêm nhưng cũng thật bi hùng. Con em Lý Sơn hôm nay có thể hình dung lại toàn bộ những cuộc “xuống thuyền” của ông cha họ thuở trước thông qua các nghi thức lễ hội được các bô lão Lý Sơn tái hiện. Họ như được gặp lại một Hoàng Sa mịt mờ trời nước, những chiến binh Lý Sơn dũng cảm đạp sóng ra khơi bằng những chiếc thuyền câu mong manh. Lễ hội còn là dịp hâm lại bầu máu nóng của thế hệ trẻ hôm nay và khắc cốt ghi xương trong lòng họ về một Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam- nơi cha ông họ đã từng đổ xương máu để chắt chiu gìn giữ từ hàng trăm năm trước.
Lễ Khao lề không chỉ là nơi để gặp gỡ bạn bè, người thân như nhiều lễ hội khác mà đây còn là dịp để nhắc nhở con cháu không được quên một góc trời của Tổ quốc nơi Hoàng Sa. Sự bền lâu của Lễ Khao lề chính là chỗ này, là bởi nó được cắm rễ trong lòng nhân dân, được hít thở trong bầu khí quản của nhân dân và được nhân dân nuôi dưỡng.
Không phải ngẫu nhiên mà những người phụ nữ Lý Sơn hôm nay vẫn còn duy trì nhiều loại bánh đã từng làm lương thảo cho lính Hoàng Sa; nhiều thầy cúng trên hòn đảo này vẫn duy trì “nghề” nặn hình nhân trong các ngôi mộ gió. Phải chăng đó cũng là một cách “giữ lửa” cho Hoàng Sa. Lễ hội của nhân dân cứ thế mà bám rễ để vĩnh cửu với thời gian.
Hà Nhiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.