Độc đáo với lễ hội mở cửa rừng, lễ khai niên của người Mường

Hoan Nguyễn Thứ hai, ngày 02/01/2023 07:45 AM (GMT+7)
Mỗi năm khi hoa nở khắp rừng, khi ruộng nương đã phát xong, chờ nắng lên đốt, tỉa, đồng bào Mường ở huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) lại tổ chức lễ hội mở cửa rừng (Đoọc Moong).
Bình luận 0

Trích đoạn trong nghi lễ mở cửa rừng của người Mường ở Phú Thọ. Video: Hoan Nguyễn

Lễ hội mở cửa rừng, lễ khai niên của người Mường tỉnh Phú Thọ

Lễ hội mở cửa rừng của người Mường ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ diễn ra trong hai ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn núi rừng, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của cộng đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch (xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) - người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường cho biết: "Người Mường ở huyện miền núi Yên Lập bao đời nay sinh sống ở rừng, ở núi. Rừng núi là tài nguyên vô giá, giúp người Mường tồn tại và phát triển. Lễ hội mở cửa rừng là dịp để thể hiện lòng biết ơn mẹ rừng năm qua đã phù hộ độ trì dân làng khỏe mạnh, làm ăn sung túc."

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà lễ hội này trong một thời gian dài đã bị mai một. Từ năm 2014 đến nay, lễ hội mở cửa rừng được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người Mường, trở thành ngày hội không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về nơi đây.

Lễ hội mở cửa rừng gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ thực hành các nghi lễ tái hiện cuộc đi săn của các phường săn xưa.

Bắt đầu nghi thức đi săn, một người săn giỏi (trùm săn) sẽ cùng các bậc lão niên giàu kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát và chọn điểm săn. Các tay săn còn lại trong phường tỏa ra vây, tìm chỗ đón lõng thú rừng ở các khe, lối mòn đợi chờ con thú đi qua.

Phú Thọ: Ngày hội không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Mường - Ảnh 2.

Nghi thức thầy mo kính cáo thành hoàng trong lễ hội mở cửa rừng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Mỗi lần đi săn, các tay thợ sẽ sử dụng chó săn được huấn luyện tìm theo dấu con mồi. Khi thú rừng trong vòng vây, các tay săn dần khép vòng vây, dùng gậy nhọn, cây lao chặn đánh, quây bắt muông thú.

Sau khi các tay săn đưa con thú trở về điểm tập kết ban đầu, một hồi cồng kéo dài được cất lên, báo hiệu cuộc đi săn kết thúc.

Ông mo thay mặt dân làng làm lễ khấn vị thánh hoặc Thành hoàng mà cộng đồng thờ phù trợ mùa màng tươi tốt. Nếu không bắt được con thú gì, dân bản thay bằng dê, lợn, có khi bò để cúng thần.

Sau lễ tế Thánh hoặc Thành hoàng, mọi người tự mang cơm và rượu cần đến vui mừng suốt ngày tới tận đêm khuya.

Bên cạnh các nghi thức lễ tế là phần hội tưng bừng náo nhiệt với hát Giang, hát Ví, múa Mỡi, múa Sênh Tiền, đâm đuống, kéo co, đi cầu, chọi bi, bắn nỏ…

Phú Thọ: Ngày hội không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Mường - Ảnh 3.

"Trùm săn" cùng các bậc lão niên giàu kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát và chọn điểm săn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Âm vang của tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng, hòa cùng tiếng hò reo, nói cười làm bừng lên không khí vui tươi, sôi nổi, khích lệ tinh thần hăng say lao động trước một mùa khai sơn mới.

Phú Thọ: Xây dựng lễ hội mở cửa rừng thành sản phẩm du lịch

Lễ hội mở cửa rừng của người Mường không chỉ thuần túy là ngày hội khai năm, mà còn là ngày hội của cả bản làng, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của cộng đồng, giúp con người sống gắn bó với nhau hơn trong môi trường văn hóa bản Mường.

Theo ông Phùng Duy Nam, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Lập, "Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030" đã hoạch định mục tiêu. Sau năm 2020, du lịch Phú Thọ tập trung nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh".

Phú Thọ: Ngày hội không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Mường - Ảnh 4.

Trong lễ hội mở cửa rừng, nếu buổi săn hôm đó được thú, làng Mường vui mừng đánh cồng, gõ phách. Ảnh: Hoan Nguyễn

Những năm qua, lễ hội mở cửa rừng ở Yên Lập đã dần được phục dựng, lưu giữ, thu hút khách du lịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những năm gần đây, lễ hội không được tổ chức với quy mô lớn như trước.

Tuy nhiên về lâu dài, việc xây dựng không gian lễ hội mở cửa rừng ở xã Minh Hòa trở thành điểm đến du lịch văn hóa trải nghiệm hấp dẫn du khách sẽ là yếu tố quan trọng để xúc tiến tiềm năng du lịch tại địa phương.

Phú Thọ: Ngày hội không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Mường - Ảnh 5.

Sau khi các tay săn đưa con thú trở về điểm tập kết ban đầu, một hồi cồng kéo dài được cất lên, báo hiệu cuộc đi săn kết thúc. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Để tạo ra sự khác biệt, độc đáo và hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Phú Thọ, vấn đề cốt lõi nằm ở chất lượng dịch vụ và xây dựng hình ảnh. Chính quyền huyện Yên Lập đã xây dựng kế hoạch, phương án thúc đẩy trải nghiệm của du khách trong việc hòa mình vào không gian lễ hội; để du khách thật sự trở thành một phần của lễ hội văn hóa tâm linh, ví dụ như: Đóng vai thợ săn tham gia nghi lễ đi săn, thưởng thức thịt thú rừng, hát Giang, hát Ví, hò đu cùng với đồng bào người Mường" - ông Nam nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem